img
:::

Tiến sĩ Nhật Bản nghiên cứu và khảo sát hơn 1.200 nhà thờ tại Việt Nam

Tiến sĩ Nhật Bản nghiên cứu và khảo sát hơn 1.200 nhà thờ tại Việt Nam

TS Tomoharu Katano nhớ lại, năm 2007 tình cờ được biết có một mạng lưới dày đặc các nhà thờ cổ tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình có kiến trúc rất đặc biệt. Anh quyết định thực hiện chuyến đi khảo sát độc lập sơ bộ qua tất cả nhà thờ ở ba giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình. 

Liên tục trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 11-2007 và 1 tháng nữa vào tháng 1-2009, anh Tomoharu Katano đã ròng rã đi qua 1.224 nhà thờ của ba giáo phận này để thu thập thông tin sơ bộ; chụp ảnh tỉ mỉ cả trong và ngoài nhà thờ; lập bản đồ thông tin vị trí bằng cách sử dụng bộ ghi GPS cho toàn bộ hơn 1.200 nhà thờ.

Đó là một chuyến đi rất vất vả với một nghiên cứu sinh người nước ngoài. Anh phải tự đón xe khách tới bến xe các tỉnh và sau đó thuê xe máy xuyên qua các con đường mòn, qua các cánh đồng, triền đê của 3 tỉnh này. 

Càng đi, anh càng kinh ngạc về giá trị di sản văn hóa của quần thể các nhà thờ, và càng ngạc nhiên khi ở Việt Nam lúc bấy giờ hầu như chưa có công trình nghiên cứu công phu nào về giá trị kiến trúc độc đáo của chúng.

Với sự hướng dẫn của GS Yamada Yukimasa, đề tài nghiên cứu về các nhà thờ cổ Việt Nam của anh đã nhận được tài trợ của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học Nhật Bản. Anh cùng với nhóm của mình miệt mài trong 4 năm liền để khảo sát chuyên sâu 69 nhà thờ, với sự cho phép của các cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của 3 giáo phận.

Sau nghiên cứu này, TS Tomoharu Katano không tiếp tục tham gia giai đoạn 2 của dự án, nhưng nhóm của anh đã kết hợp với các nhà nghiên cứu ở ĐH Khoa học Huế nghiên cứu các nhà thờ cổ kết cấu gạch. 

Công trình nghiên cứu vừa kết thúc năm 2018. Tất cả dữ liệu nghiên cứu của nhóm đều được gửi tới Cục Di sản văn hóa của Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có các nhà thờ được nghiên cứu và 3 giáo phận sau mỗi đợt khảo sát.

TS Tomoharu Katano chia sẻ, sau những tháng năm miệt mài nghiên cứu trong lặng lẽ, điều khiến anh và nhóm của mình quan tâm và thích thú hơn cả là những ngôi nhà thờ được kết cấu bởi hệ thống vì kèo hoàn toàn bằng gỗ giống như kiến trúc đình, chùa của Việt Nam, nhưng bức tường mặt trước nhà thờ được xây dựng bằng gạch lại mang dáng dấp kiến trúc Gothic và Romanesque của châu Âu - một sự kết hợp rất độc đáo giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc châu Âu.

Đặc biệt hơn, bản thân sự tồn tại như một quần thể với mật độ dày đặc của các nhà thờ ở ba tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình mang lại giá trị cảnh quan văn hóa vô cùng quý báu cho nơi đây. Theo TS Tomoharu Katano, các nhà thờ này nếu được quy hoạch để thiết kế các tour du lịch thú vị chắc chắn sẽ rất hấp dẫn du khách. Làm tốt điều này sẽ hỗ trợ tốt cho việc bảo vệ di sản.

Anh cũng cho rằng trong nỗ lực khó khăn để bảo vệ các nhà thờ thì các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn và cộng đồng giáo dân cần ngồi lại với nhau để cùng hỗ trợ nhau. 

Kinh nghiệm nhiều năm đi khảo sát các nhà thờ miền Bắc cho anh biết rằng không phải tất cả giáo dân đều muốn phá cũ xây mới, vẫn có một bộ phận muốn bảo tồn nhà thờ cổ của cha ông. Nhưng họ loay hoay không biết làm thế nào để bảo tồn. Họ cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia và nhà quản lý.

"Chúng tôi đã có giai đoạn phá hủy mù quáng các di sản, nhưng sau đó chúng tôi đã nhận ra sai lầm và cố gắng sửa chữa. Chúng tôi hi vọng Việt Nam sẽ không đi vào vết xe đổ của chúng tôi. Bây giờ vẫn còn kịp cho các bạn để bảo vệ kho tàng di sản kiến trúc giàu có của mình" - TS Tomoharu Katano nói.

https://tuoitre.vn/tien-si-nhat-khao-sat-hon-1-200-nha-tho-viet-nam-20190612223410956.htm

Hình ảnh từ Pixabay.com

Tin hot

回到頁首icon
Loading