Theo bài đăng trên Vietnamnet cho biết, cứ mỗi độ bước sang tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều bà nội trợ thành phố sành ăn lại săn lùng và đặt mua bánh trứng kiến (đặc sản Cao Bằng) để thưởng thức. Những ngày này trên chợ mạng, ngoài các loại bánh ngải, bánh sắn,... một số tiểu thương vùng núi Cao Bằng, Bắc Kạn lại rao bán loại bánh lạ tai, lạ mắt thu hút đông đảo bà nội trợ đặt mua. Đó chính là bánh trứng kiến.
Loại bánh đặc biệt này được coi là đặc sản của người Tày ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn. Nguyên liệu chính của bánh chính là loại trứng kiến. Vì phụ thuộc vào nguyên liệu đặc biệt này nên hàng năm chỉ có thể làm bánh từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 Dương lịch, tương đương từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Vietnamnet cho biết thêm, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến. Bánh được làm bằng bột nếp nương, nhân bánh là trứng kiến, được gói bằng lá non của cây vả. Ngoài nguyên liệu đơn giản, công đoạn làm bánh trứng kiến cũng không quá cầu kỳ. Trứng kiến non to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa lấy từ rừng về sẽ được rửa sạch, phi thơm với hành khô.
Xem thêm: Di dân mới Việt Nam với tài nghệ làm rau câu nghệ thuật 3D thu hút thực khách Đài Loan
Phần vỏ bánh được gói từ bột gạo nếp nương đã được nhào nặn và cán mỏng. Sau đó, ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín. Khi ăn bánh trứng kiến, mọi người bóc lớp lá vả (lá ngõa mật) gói ở ngoài nếu bánh có 2 lớp lá. Còn nếu bánh có 1 lớp lá thì ăn luôn được lá này. Mua bánh về chỉ cần bảo quản ngăn mát tủ lạnh, khi ăn mang ra hấp lại là có bánh ăn ngay.