Sáng 13-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi với tỉ lệ 90,7% tán thành.
Luật thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công với 2 loại: vốn ngân sách nhà nước; và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa NSNN, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...).
Quy định này cũng giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.
Luật Đầu tư công sửa đổi vừa được thông qua cũng đổi mới phương thức kế hoạch hóa, đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “con gà, quả trứng” - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
Theo đó, trước đây muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp “lối ra” để xử lý.
Bởi vậy, luật vừa được thông qua đã đưa ra phương án phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước, để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Đầu tư công sửa đổi, dựa trên kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội ngày 3-6 về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, do không có phương án nào được trên 50% đại biểu lựa chọn, cơ quan này xin Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành.
Cụ thể, thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công vẫn giữ nguyên quy định hiện hành là Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn với tổng số vốn, cơ cấu vốn ngân sách, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công.
Trong khi đó, Quốc hội chỉ quyết định danh mục và mức vốn của các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.
https://tuoitre.vn/phan-cap-manh-tham-quyen-dau-tu-co-von-moi-duoc-quyet-dinh-dau-tu-20190613112428144.htm