Sau giờ tan học, cách bố mẹ đặt câu hỏi khi con trở về nhà thường ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Theo nghiên cứu, khoảng 70% phụ huynh đã đặt sai câu hỏi vào thời điểm này. Thực tế, trong giai đoạn học tập từ 3 đến 12 tuổi, việc nắm vững kỹ năng giao tiếp “4 nên hỏi – 3 không nên hỏi” có thể giúp tăng cường tình cảm gia đình và nâng cao động lực đến trường của trẻ. Hãy cùng xem qua những câu hỏi nên hỏi và không nên hỏi nhé!
Ba điều không nên hỏi: Tránh gây áp lực cho trẻ
Không nên hỏi: “Hôm nay con có ngoan ở trường không?”
Việc dùng từ “ngoan” để đánh giá hành vi của trẻ sẽ khiến các em cảm thấy bị phán xét và dễ nảy sinh phản cảm. Trẻ thường không chủ động chia sẻ những hành vi chưa tốt, nhưng nếu có điều gì tốt đẹp xảy ra, các em sẽ tự nhiên kể lại cho bạn nghe.
Không nên hỏi: “Khi nào con làm bài tập về nhà?”
Trẻ thường cảm thấy mệt mỏi sau giờ học, và việc thúc giục chỉ khiến các em khó chịu hơn. Khi cảm xúc bị đẩy lên, trẻ càng dễ trì hoãn việc học. Hãy cho trẻ không gian để tự sắp xếp thời gian của mình.
Không nên hỏi: “Hôm nay con làm bài kiểm tra thế nào?”
Câu hỏi này có thể khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ chỉ quan tâm đến điểm số, mà không để ý đến cảm xúc của các em. Điều đó có thể tạo áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực học tập của trẻ.
Bốn điều nên hỏi: Hướng trẻ đến suy nghĩ tích cực
Hỏi: “Hôm nay đi học có vui không? Có chuyện gì khiến con cảm thấy hạnh phúc không?”
Câu hỏi này giúp trẻ hồi tưởng lại những khoảnh khắc tích cực trong ngày, khơi gợi cảm xúc tốt đẹp về trường học và dễ dàng mở đầu cuộc trò chuyện.
Hỏi: “Hôm nay con thấy mình làm tốt điều gì?”
Câu hỏi này giúp trẻ học cách công nhận bản thân, nhận ra điểm mạnh và thành tích của mình, từ đó tăng sự tự tin.
Hỏi: “Hôm nay con có gặp khó khăn gì không? Con có cần bố mẹ giúp gì không?”
Dù trẻ có muốn chia sẻ hay không, câu hỏi này giúp trẻ hiểu rằng, dù gặp khó khăn gì, các em vẫn có thể tìm đến gia đình để được hỗ trợ và cảm thấy an toàn.
Hỏi: “Về nhà rồi, con dự định sẽ sắp xếp thời gian thế nào? Làm bài tập và nghỉ ngơi con muốn chia như thế nào?”
Câu hỏi này không chỉ dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian mà còn giúp trẻ cảm nhận được quyền tự chủ, từ đó rèn luyện tính tự giác và chủ động.
Cách thể hiện sự quan tâm của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Thông qua kỹ năng giao tiếp “4 nên hỏi – 3 không nên hỏi”, bạn không chỉ có thể tăng cường sự kết nối tình cảm với con mà còn giúp con thêm hứng thú trong học tập. Hãy nhớ rằng, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là con đường hai chiều. Khi trẻ cảm nhận được tình yêu và sự ủng hộ, các em sẽ vững bước hơn và tiến xa hơn trên hành trình trưởng thành!Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là sự tương tác hai chiều, giúp trẻ cảm nhận được tình yêu và sự hỗ trợ. (Hình ảnh: chụp màn hình từ Genius Leader)
Nguồn: Genius Leader
Genius Leader