Mỹ từ lâu là nhà tài trợ lớn nhất cho viện trợ lương thực toàn cầu, đã cung cấp khoảng 64,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo trong 5 năm qua, chiếm hơn 38% tổng số đóng góp được Liên Hợp Quốc ghi nhận. Tuy nhiên, khi chính phủ Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài và đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), những nỗ lực toàn cầu chống nạn đói đang đứng trước nguy cơ tê liệt.
Dù chính quyền Mỹ tuyên bố vẫn hỗ trợ các chương trình lương thực khẩn cấp, nhưng việc USAID ngừng hoạt động đã khiến các tổ chức nhân đạo không thể tiếp cận nguồn tài chính. Ngoài ra, khoản viện trợ tiền mặt của Mỹ cho Sudan và Dải Gaza cũng bị dừng lại, ảnh hưởng đến khả năng mua lương thực của người dân. Đồng thời, hai nhà cung cấp thực phẩm bổ sung dinh dưỡng quan trọng cũng bị buộc phải ngừng sản xuất, làm giảm nguồn cung cấp lương thực cho trẻ em suy dinh dưỡng trên toàn thế giới.Một tình nguyện viên phân phát thức ăn cho người dân ở Omdurman, Sudan - Ảnh: REUTERS
Mạng lưới "Hệ thống Cảnh báo Sớm về Nạn đói" (FEWS NET) do Mỹ tài trợ từng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát an ninh lương thực toàn cầu và hỗ trợ quyết định của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tổ chức này đã bị yêu cầu ngừng hoạt động vào ngày 7/2, khiến các tổ chức nhân đạo mất đi nguồn dữ liệu quan trọng để triển khai cứu trợ kịp thời. Các chuyên gia cảnh báo rằng điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng dự báo và ứng phó với khủng hoảng lương thực toàn cầu.