Theo bài đăng trên trang nhandan.vn cho biết, Chibooks và các nhà xuất bản NXB Văn học, Lao động vừa giới thiệu Tủ sách Văn hóa Việt Nam với các tác phẩm viết về những đặc trưng văn hóa của từng địa phương ở Việt Nam. Tủ sách Văn hóa Việt gồm những đầu sách như “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng), “Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ” (Đào Thị Thanh Tuyền), “Nha Trang mùa đẹp nhất” (Đào Thị Thanh Tuyền), “Bên sông Ô Lâu” và “Về Huế ăn cơm” (Phi Tân), “Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời” (Vũ Thế Long), “Hà Nội những phố những người” (Nguyễn Việt Cường), “Tình đất mặn” (tác giả Nguyễn Chí Ngoan).
Xem thêm: Đài Loan triển khai quy định mới về cách ly kiểm dịch đối với thành viên tổ bay các hãng hàng không
Cuốn “Vắt qua những ngàn mây tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên Việt Nam của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền trung nắng gió, tới miền nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước.
Chibooks và các nhà xuất bản NXB Văn học, Lao động vừa giới thiệu Tủ sách Văn hóa Việt Nam với các tác phẩm viết về những đặc trưng văn hóa của từng địa phương ở Việt Nam. (Nguồn ảnh: baodansinh.vn)
Cuốn “Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ” của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền kể về những kỷ niệm của tác giả với mảnh đất Sài Gòn thân thương sau nhiều năm xa cách trở về định cư tại nơi đây. Tập sách không chỉ viết về một Sài Gòn hoa lệ mà còn về những vùng đất, đất nước mà tác giả cũng từ Sài Gòn này “xách ba lô lên và đi” khám phá, gặp gỡ để rồi cuối cùng trở về với quê hương thứ hai này – Sài Gòn.
Trang nhandan.vn cho biết thêm, cuốn “Nha Trang mùa đẹp nhất” cũng của Đào Thị Thanh Tuyền lại khắc họa nỗi nhớ của tác giả về quê nhà Nha Trang, nơi tác giả sinh ra và lớn lên bên cha mẹ, chòm xóm. Một số cuốn dự kiến sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Trung, tiếng Anh, dự kiến phát hành tháng 7-8, như “Bên sông Ô Lâu”, “Về Huế ăn cơm”, “Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời”. Riêng hai cuốn “Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời” và “Nha Trang mùa đẹp nhất” đã được dịch sang tiếng Trung. Dự kiến, sau khi được chuyển ngữ, các đầu sách này sẽ được xuất bản và xuất khẩu đi các nước, tham gia các hội chợ sách quốc tế và chào bán bản quyền ra thế giới.