Năm 1991, khi Karen Kwai-Ching Li (KC) ở Hong Kong mới 10 tuổi, cô được chẩn đoán osteosarcoma, một dạng ung thư xương. Vì sử dụng thuốc không phù hợp trong vòng hai tháng khiến khối u lan rộng, KC phải cắt bỏ một bên chân. Trải qua sáu đợt hóa trị, bệnh nhân đã thuyên giảm. Hiện cô sử dụng chân giả để đi lại.
Sau mỗi đợt hóa trị, cơ thể KC lại yếu đi rất nhiều. Bạn bè và gia đình khuyên cô sử dụng nhân sâm rễ cây vì chúng có khả năng tăng cường và phục hồi năng lượng. Những nghiên cứu mới gần đây cũng tán thành với ý kiến này.
"Mỗi khi uống nhân sâm, tôi có cảm giác như cơ thể được lấy lại sức mạnh và thường xuyên sử dụng sau khi hóa trị", KC chia sẻ.
KC chọn bác sĩ Godfrey Chan ở Bệnh viện Queen Marry (Hong Kong) điều trị để đảm bảo rằng ung thư không hành hạ thể xác cô mãi. Trong quá trình điều trị, KC cũng được bác sĩ này áp dụng các phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc.
Chan theo học ngành y hiện đại còn cha ông hành nghề y học cổ truyền Trung Quốc. Cả tuổi thơ gắn liền với các loại thảo mộc và thuốc, ông đã tìm hiểu và nhận ra giá trị của các loại thảo dược.
"Chúng chính là kho báu. Gia đình tôi có rất nhiều kinh nghiệm nên tôi may mắn biết được công thức nào phù hợp và công thức nào thì không hiệu quả", Chan nói.
Khu vực làm việc của Chan và nhóm nghiên cứu tại Đại học Hong Kong được lấp đầy bởi các loại bột thảo dược. "Chúng tôi nhìn y học cổ truyền Trung Quốc một cách toàn diện hơn", Chan cho biết.
Đối với căn bệnh nhạy cảm như ung thư, các nguyên liệu thảo dược cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng sao cho không gây bất kỳ mối nguy hại nào lên con người. Ngoài lợi thế của thảo dược, nhóm nghiên cứu còn phải đối mặt với các biến chứng có thể xảy ra.
Xạ trị và hóa trị là những biện pháp phổ biến để điều trị ung thư nhưng có thể kéo tới vô số tác dụng phụ trên cơ thể như mất ngủ, buồn nôn, khô miệng. Y học cổ truyền Trung Quốc hạn chế những phản ứng không mong muốn này, từ đó nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Đối với trường hợp của KC, bác sĩ Chan cho rằng bệnh nhân nên kết hợp hai phương pháp điều trị Đông y và Tây y để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Lao Xi Xing, giám đốc y học Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, cho biết chẩn đoán trong Đông y gồm bốn giai đoạn: quan sát, kiểm tra lưỡi, lắng nghe bệnh nhân và bắt mạch. Theo ông, giống như thợ may, kinh nghiệm cá nhân là thứ rất quan trọng đối với thầy thuốc Đông y. Tuy nhiên, ông Lao khẳng định cách can thiệp tốt nhất cho bệnh nhân ung thư vẫn là kết hợp cả Đông y lẫn Tây y.
Đồng tình với ý kiến của ông Lao, Qihe Xu, đồng giám đốc Trung tâm Y học Trung Quốc thuộc Đại học King London (Anh) nói: "Giá trị của y học Trung Quốc nằm ở chỗ nhấn mạnh yếu tố nuôi dưỡng sức khỏe từ bên trong, ngăn ngừa bệnh tật và định hướng toàn bộ chức năng của một con người. Việc tích hợp cả y học truyền thống Trung Quốc lẫn y học hiện đại sẽ là con đường đáp ứng những nhu cầu y tế chưa được giải quyết".
Sau khi điều trị ung thư gan bằng cách kết hợp phẫu thuật và trị liệu điện để loại bỏ khối u ở bệnh viện Queen Marry, Cheung Yiu-kai 66 tuổi đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ đội ngũ của Lao để phục hồi sức khỏe. Cheung giải thích rằng nếu bác sĩ Tây y kiểm tra những gì đang diễn ra trong cơ thể bệnh nhân thì bác sĩ Đông y tìm cách điều hòa lại chức năng tổng quát của mọi bộ phận.
"Hiện tại, cơ thể tôi cảm thấy rất tốt", Cheung chia sẻ.
Chan và Lao tin rằng cùng với sự cởi mở của thế giới, y học Trung Quốc sẽ ngày càng được đón nhận. Năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường các tổ chức y học cổ truyền, đầu tư kinh phí khủng để phát triển mảng này và mở rộng giáo dục cho thế hệ trẻ về sức mạnh của y học cổ truyền. Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức đưa Đông y vào Bảng phân loại thống kê Quốc tế về Bệnh tật và các Vấn đề Sức khỏe liên quan.
"Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai", Chan nói.
https://vnexpress.net/suc-khoe/nguoi-hong-kong-ket-hop-dong-tay-y-chong-choi-ung-thu-3942421.html