Để thực hiện công tác giảng dạy ngôn ngữ tân di dân cho học sinh cấp tiểu học và trung học, Bộ Giáo dục đẩy mạnh triển khai “Cơ chế đánh giá trình độ ngôn ngữ tân di dân”. Hy vọng thông qua việc nắm bắt tiến độ học tập của học sinh, tiếp tục giữ gìn và phát huy tiếng mẹ đẻ cho con em tân di dân, từng bước nâng cao nhận thức văn hoá của học sinh đối với các quốc gia khác.
Vụ Quản lý Giáo dục Quốc gia và Mầm non thuộc Bộ Giáo dục cho biết, qua “Cơ chế đánh giá trình độ ngôn ngữ tân di dân”, có thể nắm rõ các chỉ số khách quan về năng lực ngoại ngữ của học sinh, từ đó, có căn cứ để phân chia lớp. Nếu học sinh đã có khả năng nghe, nói, đọc, viết, thì có thể đăng ký tham gia đánh giá năng lực để phân lớp trong lần đầu đăng ký chương trình học ngôn ngữ tân di dân.
Xem thêm: Tân di dân Việt Nam giới thiệu văn hóa quê hương, chia sẻ hành trình không ngừng học hỏi
Tân di dân thế hệ thứ hai được tham gia đánh giá trình độ để phân lớp khi lựa chọn học tiếng Việt. (Ảnh: Bộ Giáo dục)
Một học sinh họ Nguyễn đến từ trường Tiểu học Tong-de, Đào Viên cho biết, lần đầu tiên đăng ký học tiếng Việt đã được cho tham gia đánh giá trình độ ngoại ngữ, vì có biểu hiện vượt trội nên đã được học vượt cấp lên quyển 5 theo giáo trình đang học. Điều này tạo động lực học tập cho học sinh, từ đó, giúp em đạt kết quả cao trong nhiều môn học khác.
Học sinh bày tỏ, mỗi khi đến kỳ nghỉ hè sẽ được gia đình cho về Việt Nam thăm người thân. Trong tương lai, em sẽ tiếp tục cố gắng học tập, kết hợp ưu thế ngoại ngữ của mình để trở về Việt nam làm việc trong ngành điện tử.
Một em học sinh khác đang theo học trung học cho biết, thường ngày hay có thói quen sử dụng tiếng Việt để nói chuyện với người nhà, em cảm thấy rất vinh dự vì trong người mình là dòng máu của cả hai nước Đài Loan và Việt Nam. Em đặt mục tiêu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt cao cấp để khích lệ bản thân tiếp tục học tập, mở mang tầm nhìn quốc tế.
Một học sinh khác lại chia sẻ muốn tiếp tục nghiên cứu và học tập tiếng Việt, kết hợp với kiến thức pháp luật để có thể giúp đỡ tân di dân khi họ có nhu cầu.