Theo bài đăng trên trang kenh14.vn cho biết, từ xa xưa, ẩm thực Hà thành vốn đã nhận được rất nhiều lời khen bằng những văn từ hoa mỹ. Bởi không chỉ đơn thuần là những món ăn trên mâm cơm, người Hà Nội còn coi đó là một “tác phẩm” hội tụ đủ sự tinh tế, chỉn chu và hàm chứa những ý nghĩa vô cùng lớn lao. Chẳng nói đâu xa, như ngay trên mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội cũng đã có những quy tắc riêng và những ý nghĩa hết sức thú vị. Giống như nhiều nơi ở miền Bắc, mâm cỗ Tết Hà Nội cũng được làm theo quy tắc 4 bát 4 đĩa, tượng trưng cho 4 mùa, 4 hướng, tứ trụ… Sau này, khi cuộc sống khá giả hơn, nhiều gia đình sẽ làm 6 bát 6 đĩa, hoặc 8 bát 8 đĩa… Từng có ai đó nói rằng, trong số rất nhiều vùng ở miền Bắc thì mâm cỗ của người Hà Nội đa dạng nhất về món, từ món xào đến món mặn, món canh. Chẳng rõ điều đó có đúng không, nhưng phải công nhận rằng, cỗ Tết Hà Nội… nhiều món thật. Hơn nữa, các món còn phải đa dạng sắc màu, khiến cho cả mâm cỗ trông như một bức tranh vậy. Tết mà, sao có thể qua loa được!
Một điều nữa làm nên đặc trưng của mâm cỗ Tết Hà Nội nói riêng và của miền Bắc nói chung, ấy chính là những món ăn mang đậm chất khí hậu của mùa đông. Bởi cái Tết miền Bắc thường rơi vào những ngày thời tiết giá lạnh, nên các món ăn cũng rất giàu năng lượng. Hay như món thịt đông - “tác phẩm” tuyệt vời được tạo nên giữa thời tiết lạnh trong những ngày Tết Hà Nội. Vừa có những món ăn đặc trưng của ngày Tết Việt Nam, vừa có những món quan trọng thường thấy trong mâm cỗ Tết miền Bắc, lại không thể thiếu những món ăn mang “sắc hương” Hà thành, thế nên chỉ cần thấy những món dưới đây, đó chính là mâm cỗ Tết Hà Nội.
- Thịt gà luộc, bánh chưng ăn kèm với dưa hành, nem rán: Những món đã quá đỗi quen thuộc, thế nhưng không có thì không phải là Tết.
- Giò chả: Món này thì hầu như mâm cỗ Tết nơi nào cũng có, chỉ khác nhau về loại giò chả mà thôi. Với người Hà Nội thì thường sử dụng giò lụa, giò thủ hoặc chả quế.
- Đĩa xào, đĩa nộm, đĩa hạnh nhân: Những món ăn này cũng khá cầu kỳ, bởi cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu đa dạng, thế nhưng lại không thể thiếu bởi nó không chỉ mang lại màu sắc đa dạng cho mâm cỗ mà còn tượng trưng cho tài lộc, ấm no, hạnh phúc.
- Canh bóng thả, chân giò hầm măng khô, nấm thả và miến nấu: Mâm cỗ Tết thì không thể thiếu món canh, và thường thì các gia đình sẽ làm canh bóng và canh măng. Gia đình nào cầu kỳ thì sẽ làm đủ 4 món trên.
Xem thêm: Di dân mới người Việt mở nông trại trái cây hữu cơ cùng gia đình “vui thú điền viên” tại Đài Loan
Không chỉ đơn thuần là những món ăn trên mâm cơm, người Hà Nội còn coi đó là một “tác phẩm” hội tụ đủ sự tinh tế, chỉn chu và hàm chứa những ý nghĩa vô cùng lớn lao. (Nguồn ảnh: beptruong.edu.vn)
Trang kenh14.vn cho biết thêm, một mâm cỗ chuẩn chỉnh là mâm cỗ không chỉ đầy đủ các món, đầy đủ các ý nghĩa đặc trưng. Và để làm được một mâm cỗ như vậy, những người bà, người mẹ cũng phải thật cẩn thận. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu cũng phải kỹ lượng, tìm được những thứ tươi ngon, sạch sẽ, an lành. Rồi khi nấu nướng, cũng phải thật khéo léo, để tạo nên những món vừa ngon về phần vị, đẹp về phần nhìn. Nhất là ngày nay, khi yếu tố sức khoẻ được đặt lên hàng đầu, thì mọi công đoạn chế biến càng được chú trọng hơn nữa. Có vậy thì mâm cỗ Tết mới an hoà, khỏe lành, và mang đầy đủ ý nghĩa truyền thống.