Hai câu thơ đã nói lên phong tục đẹp đẽ và những thứ cần thiết trong ngày Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam. Trong đó, bánh chưng đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của đất nước ta và được bạn bè khắp năm châu biết đến.Vào mỗi độ 29, 30 Tết, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị gói bánh chưng cúng Tết, những em nhỏ háo hức chạy nhảy xung quanh, đến tối cả nhà cùng quây quần bên bếp than hồng đỏ rực chờ nồi bánh chưng sôi.
Theo bài đăng trên trang Kinh tế Môi trường cho biết, bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh chưng bắt nguồn từ truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu, con trai thứ 18 của vua Hùng đời thứ 6 và được sử sách ghi lại qua “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”.
Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.
Theo Kinh tế Môi trường