Miếu Khổng Tử ở Đài Bắc là một trong những điểm tham quan nổi tiếng, chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử đối người dân với Đài Loan. Nằm tọa lạc tại khu phố cổ Dalongdong, miếu Khổng Tử là nơi đặt bài vị, thờ phụng của Khổng Tử và các vị hiền đệ, đồng thời để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của vị hiền triết đối với sự nghiệp giáo dục dân chúng.
Bức tường phía ngoài Miếu Khổng Tử. (Nguồn ảnh: Lấy từ trang Tapei.travel)
Miếu Khổng Tử được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1880, trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, ngôi miếu đã bị phá hủy. Năm 1927, Miếu Khổng Tử được khởi công xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay. Năm 1990, nơi đây được công nhận là di tích lịch sử của thành phố Đài Bắc.
Miếu Khổng Tử tại thành phố Đài Bắc được xây dựng theo kiểu mẫu kiến trúc của Khổng Miếu ở Khúc Phụ, Sơn Đông, không khắc chữ trên trần, cột, cửa sổ, tạo nên sự mộc mạc, trang nghiêm. Cấu trúc chính của ngôi miếu bao gồm bức tường “Vạn Nhận Cung Tường”, hồ nước, Linh Tinh môn, Nghi môn, Đại Thành điện...
Học đường Khổng Tử ở bên trong. (Nguồn ảnh: Lấy từ trang Tapei.travel)
Một trong những sự kiện không thể bỏ qua nhân ngày sinh Khổng Tử (28/9) hàng năm là Lễ Đại điển (tế) Khổng Tử. Lễ Đại điển tập trung những tinh hoa của văn hóa Nho giáo dưới hình thức lễ nhạc. Chương trình nghị sự gồm 4 lễ: lễ Khai Thành, lễ Khai Miếu, lễ Khởi Hộ (mở cổng) và Công tế Đại điển. Tiếp đó là ba chương Nhạc, Tụng và Múa.
Ghé thăm Miếu Khổng Tử không chỉ là cơ hội để tìm hiểu lịch sử, văn hóa của Đài Loan, mà còn là dịp để người dân và du khách hiểu hơn về triết học Nho giáo, cũng như những đóng góp to lớn của Khổng Tử đối với xã hội hiện đại.