Theo số liệu thống kê, số lượng học sinh chuyển trường từ nước ngoài về học tại Đài Loan tăng lên từng năm. Nhằm giúp học sinh nhanh chóng thích nghi với môi trường giáo dục Đài Loan, Cục Giáo dục Thành phố Đài Bắc tổ chức chương trình trại hè trải nghiệm cho 20 học sinh đến từ Việt Nam, Indonesia, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản hiện đang theo học từ lớp 5 bậc tiểu học đến trung học, cũng như học sinh là tân di dân trên địa bàn.
Xem thêm: Tân di dân Việt Nam giới thiệu văn hóa quê hương, chia sẻ hành trình không ngừng học hỏi
Thành phố Đài Bắc tổ chức hội trại dành cho 20 học sinh chuyển trường từ nước ngoài về Đài Loan. (Ảnh: Chính quyền TP Đài Băc)
Bên cạnh việc giảng dạy tiếng Họa, hội trại còn hướng tới bồi dưỡng, đào tạo kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm cho học sinh, cung cấp nhiều khóa học thú vị như tìm hiểu về robot lập trình, golf, hay nghệ thuật truyền thống (sáo trúc)... Học sinh cũng có cơ hội hiểu sâu hơn về văn hóa Đài Loan thông qua chuyến đi đến Bảo tàng Quốc gia Đài Loan.
Hội trại năm nay đặc biệt hơn khi tạo cơ hội để các em học sinh phát biểu thành quả học tập trong suốt 2 tuần vừa qua. Thông qua chia sẻ chuyên đề, các em tự tin thể hiện bản thân, giao lưu với các học viên khác, trở thành chiến binh ngoại giao đa văn hóa.
Các em học sinh trưng bày thành quả học tập qua nhiều tác phẩm sáng tạo khác nhau. (Ảnh: Chính quyền TP Đài Băc)
Em Thẩm Y Đức, đến từ trường Tiểu học Xin-yi bày tỏ rất vui vì được tham gia trại hè năm nay. Mỗi bài học đều vô cùng thú vị, điều khiến em vui nhất đó chính là có thể làm quen được với rất nhiều bạn bè đến từ các quốc gia khác nhau.
Học sinh, phụ huynh học hỏi được nhiều điều mới mẻ thông qua hoạt động. (Ảnh: Chính quyền TP Đài Băc)
Cục Giáo dục TP Đài Bắc cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục tích hợp nhiều nguồn tài nguyên nhằm hỗ trợ học sinh chuyển trường và học sinh tân di dân thích ứng với những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ khi học tập tại Đài Loan. Đồng thời hoàn thiện tài liệu giảng dạy 7 thứ tiếng gồm tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái, tiếng Campuchia, tiếng Myanmar, tiếng Malaysia và tiếng Tagalog, giúp học sinh thuận lợi hòa nhập với môi trường và chương trình học mới.