Khi đến khám bệnh, bệnh nhân mắc hội chứng đau cơ xơ hóa hoặc hội chứng chân không yên thường phải điền một bảng câu hỏi khảo sát nhằm giúp bác sĩ hiểu rõ hơn tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, những câu hỏi này trước đây chưa có phiên bản tiếng Việt, vì vậy tân di dân Việt Nam vẫn phải thông qua phiên dịch để hoàn thành.
Để giải quyết vấn đề này, kiểm định viên y tế Nhậm Minh Nguyệt và Giáo sư Bùi Quang Hùng, hiện công tác tại Khoa Văn học Đông Á Đại Học Cao Hùng, đã cùng hợp tác phát triển thang đo y tế bằng tiếng Việt, giúp tân di dân có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ để trả lời câu hỏi, qua đó giúp bác sĩ nhanh chóng nắm được tình trạng bệnh.
Các triệu chứng và nguyên nhân của hội chứng đau cơ xơ hóa. (Ảnh: Hiệp hội thần kinh học Đài Loan)
Kiểm định viên y tế Nhậm Minh Nguyệt cho biết, tân di dân Việt Nam mỗi khi đến khám bệnh đều phải có sự giúp đỡ của vợ/chồng người Đài, nhằm giúp trao đổi với bác sĩ. Đối với bệnh nhân mắc hội chứng đau cơ xơ hóa hoặc hội chứng chân không yên, người dân Đài Loan có thể sử dụng bảng khảo sát bằng tiếng Trung để đánh giá tình trạng bệnh, trong khi đó, tân di dân Việt Nam lại phải dùng phương thức gián tiếp thông qua người dịch tại hiện trường để hoàn thành. Điều này tương đương với việc họ bị bắt buộc phải thông qua bên thứ 2, thậm chí là thứ 3 để biểu đạt tình hình sức khỏe của bản thân.
Giáo sư Bùi Quang Hùng chia sẻ, phiên dịch bảng câu hỏi khảo sát điều tra tình trạng bệnh nhân mắc hội chứng đau cơ xơ hóa, chất lượng giấc ngủ hoặc hội chứng chân không yên sang tiếng Việt, giúp các tân di dân người Việt sử dụng phương thức đánh dấu, nhờ đó, bác sĩ cũng có thể nhanh chóng hiểu được mức độ đau đớn và bệnh tình của người bệnh. Bệnh nhân cũng không phải cảm thấy bối rối vì rào cản ngôn ngữ.