:::

Việt Nam tăng cường phát triển doanh nghiệp công nghệ số với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế"

Việt Nam tăng cường phát triển doanh nghiệp công nghệ số với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế". (Nguồn ảnh: Pixabay)
Việt Nam tăng cường phát triển doanh nghiệp công nghệ số với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế". (Nguồn ảnh: Pixabay)

Theo bài đăng trên trang hcmcpv.org.vn cho biết, ngày 11/12/2021 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế". Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức. Diễn đàn là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Các diễn giả tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, kể từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần 1 vào năm 2019, các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số được thống nhất dưới một cái tên là doanh nghiệp công nghệ số. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỷ USD. Tại Diễn đàn lần thứ 2, "Make in Vietnam" được nhắc đến như là giải pháp đưa Việt Nam đi ra thế giới, trở nên hùng cường. "Không Make in Việt Nam thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng", Bộ trưởng nhấn mạnh. Tại Diễn đàn lần thứ 3 này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số đẩy mạnh phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp số tạo ra những nền tảng phục vụ cho hàng triệu người dân, tạo tiền đề phát triển bền vững trong năm 2045.

Xem thêm: Chủ sử dụng cần chú ý đến vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho lao động di trú khi chuyển chủ hoặc gia hạn hợp đồng

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12, chúc cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số ngày càng phát triển, vững bước thành công trong cuộc chung tay xây dựng phát triển đất nước. Thủ tướng cũng biểu dương những thành tích và nỗ lực của ngành TT-TT, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đóng góp cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Thủ tướng nêu rõ, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản quan trọng thể hiện sự quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trước đây, và hiện nay là công nghệ số. Chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, trong đó 4 vấn đề chính trong chuyển đối số là: Làm chủ hạ tầng số; làm chủ các nền tảng số; làm chủ không gian mạng quốc gia và làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”. Thủ tướng phân tích, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung. Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm đơn lẻ. Hiệu quả ở chỗ dịch vụ được cung cấp qua các nền tảng số sẽ ngày càng rẻ như hóa đơn điện, nước khi có lượng người dùng lớn. Và vì vậy, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng số sẽ trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Thị trường Việt Nam đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới, Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19.

Xem thêm: Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ, nữ sinh có mẹ là di dân mới người Việt đã trúng tuyển vào trường ĐH Quốc gia Thanh Hoa – Đài Loan

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. (Nguồn ảnh: wikipedia)

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. (Nguồn ảnh: wikipedia)

Thủ tướng khẳng định, chúng ta cũng luôn sẵn sàng có đủ tiềm lực để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp nền tảng để giải các bài toán Việt Nam và vươn ra thế giới bởi lẽ chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với tỷ lệ người sử dụng internet cao, tiếp nhận, thích ứng nhanh với các công nghệ và sản phẩm, dịch vụ số mới, kết hợp với khát vọng vươn lên, chuyển mình vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Thủ tướng cho rằng, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng, lực lượng tiên phong thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải tập trung giải các bài toán lớn của quốc gia, bài toán của 100 triệu dân; 26 triệu hộ gia đình; 14.000 cơ sở y tế; 44.000 trường học; gần 1 triệu doanh nghiệp; 5 triệu hộ kinh doanh cá thể; 9 triệu hộ nông dân… Nhà nước đã quyết tâm, đồng hành với doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể thông qua các chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Trang hcmcpv.org.vn cho biết thêm, theo Thủ tướng, năm 2022 - 2023 chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, cùng đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc đó là tinh thần đại đoàn kết, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, ấm no như truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Với phương châm “Chính phủ dẫn dắt – Doanh nghiệp đồng hành”, Thủ tướng hy vọng năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số sẽ là nhân tố trọng tâm, là động lực chính trong việc thực hiện chuyển đổi quốc gia, giúp đất nước ta nhanh chóng phục hồi và nền kinh tế sẽ trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Trở thành người đầu tiên bình luận

Tin hot

回到頁首icon
Loading