Thời báo Di dân mới toàn cầu / Bắt đầu tổ chức từ năm 2019, cho đến nay, dự án “Nói・vẽ・xem – bồi dưỡng di dân mới và lao động di trú dùng ngôn ngữ mẹ đẻ sáng tạo truyện tranh” đã bước sang năm thứ 3. Năm nay, trải qua khóa học 5 tuần với tổng cộng là 30 giờ học tập sôi nổi và miệt mài đã giúp các học viên bắt đầu từ con số “0” và dần dần từng bước tự tay hoàn thành các tác phẩm vô cùng đa dạng và ấn tượng, đồng thời thông qua những tác phẩm này còn là cơ hội để các học viên là di dân mới được kể những câu chuyện của chính bản thân họ, đó có thể là những kỷ niệm tươi đẹp về quê hương, về những món ăn gắn liền với tuổi thơ, hay là những nỗ lực hòa nhập với môi trường sống mới tại Đài Loan và quá trình vươn lên khẳng định năng lực của bản thân mình. Mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời của mỗi di dân mới như những chấm màu tươi sáng tô điểm cho hòn đảo ngọc này thêm phần rực rỡ.
Chị Nghiêm Vĩnh Chân (嚴永真) tham gia dự án “Nói・vẽ・xem – bồi dưỡng di dân mới và lao động di trú dùng ngôn ngữ mẹ đẻ sáng tạo truyện tranh” năm 2019. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)
Biên tập viên của Thời báo Di dân mới toàn cầu đã có cơ hội được trò chuyện với chị Nghiêm Vĩnh Chân (嚴永真) là tác giả của cuốn truyện tranh “白鷺啊白鷺”(Cò trắng ơi cò trắng) tham gia dự án “Nói・vẽ・xem – bồi dưỡng di dân mới và lao động di trú dùng ngôn ngữ mẹ đẻ sáng tạo truyện tranh” năm 2019, để cùng lắng nghe chị chia sẻ về quá trình sáng tác nên cuốn truyện tranh này. Chị Nghiêm Vĩnh Chân cho biết, nội dung câu chuyện của cuốn truyện tranh này được chuyển thể từ bài đồng dao cùng tên của Malaysia, tác phẩm là sự kết hợp của nhiều chất liệu hội họa cộng thêm hình thức cắt dán đã thể hiện một diện mạo khác cho bài đồng dao này. Tuy đây là lần đầu tiên chị Nghiêm Vĩnh Chân tiếp xúc với việc sáng tác truyện tranh, nhưng thực ra ngay từ hồi nhỏ chị đã rất yêu thích hội họa. Sau khi biết được thông tin về khóa học sáng tác truyện tranh này và đặc biệt là khóa học lại rơi vào cuối tuần, vì vậy chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Tác phẩm “白鷺啊白鷺”(Cò trắng ơi cò trắng) (trái) năm 2019 và “Bak Kut Teh”(Canh xương lợn hầm) (phải) năm 2021. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)
Đề tài độc đáo
Chị Nghiêm Vĩnh Chân cho biết, khi chọn đề tài cho tác phẩm, chị nhớ lại những năm tháng mới đi học tiểu học. Khi đó, cô giáo dạy cho mọi người hát và đóng vai các nhân vật xuất hiện trong lời bài hát, để những đứa trẻ lúc đó chưa làm quen với thiên nhiên có thể có những hiểu biết cơ bản và hứng thú với việc học tập. "Bài đồng dao này rất đặc biệt, nó không sử dụng phương pháp tự sự để làm nổi bật câu chuyện, mà sử dụng hồi tưởng và phương pháp hỏi đáp để nói về mối quan hệ rằng buộc trong tự nhiên". Đây cũng là một trong những lý do tại sao chị Nghiêm Vĩnh Chân chọn bài đồng dao này làm chủ đề cho tác phẩm của mình. Trong quá trình sáng tác, ngày nào chị cũng mở đi mở lại nhiều lần bài đồng dao này, đến nỗi các con của chị không biết từ lúc nào cũng thuộc và hát được vài câu trong đó.
Tác phẩm là sự kết hợp của nhiều chất liệu hội họa cộng thêm hình thức cắt dán đã thể hiện một diện mạo khác cho bài đồng dao này. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nét vẽ tinh tế
Tác phẩm truyện tranh “白鷺啊白鷺” (Cò trắng ơi cò trắng) không chỉ có đề tài độc đáo, mà các bức tranh minh họa bên trong của tác phẩm cũng được xử lý hết sức công phu và tỉ mỉ. Giáo viên của khóa học khuyến khích học viên có thể sử dụng nhiều vật liệu khác nhau để tạo ra các bức tranh. Chị Nghiêm Vĩnh Chân đã chọn phương pháp tranh khắc gỗ và cho ra những đường nét trông sống động hơn cách vẽ thông thường. Ngoài ra, ngay từ đầu khi bắt tay vào sáng tác, chị Nghiêm Vĩnh Chân đã muốn giới thiệu ba nhóm sắc tộc chính ở Malaysia (người Mã Lai, người Hoa và người Ấn Độ) trong cùng một tác phẩm. Sau một thời gian dài suy nghĩ, cuối cùng chị đã đưa ba màu sắc mà ba tộc người này xem là màu sắc may mắn của họ để kết hợp vào trong các bức tranh.
Chị Nghiêm Vĩnh Chân (hàng thứ 2, số 1 từ trái qua) tham gia khóa bồi dưỡng giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ của di dân mới năm 2020. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chuyện đời thú vị
Chị Nghiêm Vĩnh Chân là một cư dân mới người Malaysia, trước đây chị là giáo viên tiểu học ở Malaysia. Năm 2002, chị gặp và làm quen với người chồng Đài Loan hiện tại của mình và đến năm 2006 chị quyết định kết hôn và chuyển đến sinh sống tại Đài Loan. Đến nay, chị cũng đã sinh sống tại Đài Loan được mười sáu năm. Năm 2017, chị đã được cấp bằng chứng chỉ sư phạm giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ của di dân mới để dạy cho con em của di dân mới và người dân Đài Loan học tiếng Mã Lai, đồng thời hỗ trợ đào tạo thêm các giáo viên giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ của di dân mới và tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy.
Chị Nghiêm Vĩnh Chân (thứ 5 từ phải qua) dạy tiếng Mã Lai cho con em của di dân mới. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)
Năm nay, chị Nghiêm Vĩnh Chân lại một lần nữa tham gia khóa học “Nói・vẽ・xem – bồi dưỡng di dân mới và lao động di trú dùng ngôn ngữ mẹ đẻ sáng tạo truyện tranh” và chị đã chọn món ăn đặc trưng của Malaysia là “Bak Kut Teh”(Canh xương lợn hầm) làm đề tài cho tác phẩm. Chị tâm niệm rằng, chỉ cần hết mình với tình yêu dành cho hội họa, dù có đoạt giải hay không, chị vẫn sẽ cố gắng sáng tác để giới thiệu và truyền bá nhiều hơn nữa văn hóa của Malaysia đến với người dân Đài Loan.