Thời báo Di dân mới toàn cầu / Vào khoảng giữa tháng 5/2021, Đài Loan bùng phát đợt dịch COVID-19 mới vô cùng nghiêm trọng. Nhằm giúp lao động di trú có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình mà vẫn nắm bắt được các thông tin và biện pháp phòng chống dịch bệnh mới nhất, Sở Phát triển nguồn lực lao động của Bộ Lao động đã thành lập ứng dụng “Line@E-LINE” và thiết lập các thông tin về dịch bệnh với 4 loại ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Indonesia, tiếng Việt và tiếng Thái. “Line@E-LINE” sẽ chủ động gửi thông tin phòng chống dịch bệnh cho người lao động di trú. Ứng dụng này sau đó đã bất ngờ trở thành một trong những trợ thủ đắc lực trong công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan. Hiện tại, đã có hơn 120.000 lao động di trú đã sử dụng ứng dụng này. Ngoài ra, Bộ Lao động cũng đã sử dụng chức năng truyền phát thông tin tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 bằng nhiều thứ tiếng để lao động di trú nhanh chóng và thuận tiện hoàn thành việc tiêm chủng. Nhờ vậy mà tính đến nay, tỉ lệ bao phủ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 mũi số 1 của lao động di trú đạt trên 90%. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn được sử dụng để tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu Phi và cũng cho hiệu quả rất khả quan.
Ứng dụng “Line@E-LINE” đã bất ngờ trở thành một trong những trợ thủ đắc lực trong công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan. (Nguồn ảnh: Bộ Lao động)
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Đài Loan, Bộ Lao động đã ngay lập tức khởi động chiến dịch phòng chống dịch bệnh. Để ngăn chặn việc lao động di trú trở thành hành lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Lao động nhận thấy rằng phải nhanh chóng cung cấp các thông tin phòng dịch cho lao động di trú. Tuy nhiên, hầu hết thông tin phòng dịch của Sở Kiểm soát dịch bệnh đều viết bằng tiếng Trung và tiếng Anh, mà không phải lao động di trú nào cũng thành thạo hai loại ngôn ngữ này. Ngoài ra, theo khảo sát của Bộ Lao động, hầu hết lao động di trú đều có thói quen sử dụng ứng dụng LINE, do đó ứng dụng “Line@E-LINE” đã được ra đời nhằm mục đích phiên dịch các thông tin phòng chống dịch bệnh của Trung tâm Chỉ huy và phòng chống dịch bệnh Trung ương Đài Loan thành nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như tiếng Thái Lan, tiếng Việt, tiếng Indonesia, và mỗi ngày đều kịp thời gửi những thông tin đó đến với lao động di trú.
Ứng dụng “Line@E-LINE” thiết lập các thông tin về dịch bệnh với 4 loại ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Indonesia, tiếng Việt và tiếng Thái. (Nguồn ảnh: Bộ Lao động)
Theo Bộ Lao động, mức độ đón nhận các ứng dụng thông tin hữu ích của lao động di trú thực ra là rất cao, bất kể là lao động di trú hợp pháp hay bất hợp pháp thì đều sử dụng ứng dụng “Line@E-LINE”. Cứ một người giới thiệu cho 10 người, 10 người lại giới thiệu cho 100 người, cứ như vậy số lượng lao động di trú tham gia sử dụng ứng dụng này tăng lên rất nhanh. Mặc dù chỉ mới cho ra mắt được vài tháng, nhưng số người đăng ký sử dụng đã lên tới hơn 120.000 người, hiện tại con số này vẫn đang tăng lên theo từng ngày.