:::

Hành trình trồng cây ăn quả Đông Nam Á để lan tỏa hương vị quê hương của tân di dân Việt Nam

Chị Võ Thị Vân, tân di dân Việt Nam chia sẻ câu chuyện trồng các loại cây ăn quả Đông Nam Á tại Đài Loan để lan tỏa hương vị quê hương. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia cung cấp)
Chị Võ Thị Vân, tân di dân Việt Nam chia sẻ câu chuyện trồng các loại cây ăn quả Đông Nam Á tại Đài Loan để lan tỏa hương vị quê hương. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia cung cấp)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Thời báo Tân di dân toàn cầu phối hợp với chuyên mục “幸福北台灣”(tạm dịch: Hạnh phúc nơi miền Bắc Đài Loan) của Đài phát thanh Giáo dục quốc gia để giới thiệu tới quý khán thính giả câu chuyện của những di dân mới tại Đài Loan. Chương trình tuần này do 2 MC Trần Á Ngọc (陳亞鈺), Trần Ngọc Thủy (陳玉水) dẫn dắt, khách mời trong tập “Võ Thị Vân: Tôi trồng chôm chôm ở Đài Loan (tập 2)” là chị Vân tân di dân đến từ thành phố Hải Phòng để trải lòng về câu chuyện kết hôn nơi xứ người và hành trình khởi nghiệp trồng cây ăn quả Đông Nam Á tại Đài Loan. Vào 10 năm trước, chị Vân đến Đài Loan làm công việc phiên dịch và quen biết người chồng hiện tại, khi chị chuẩn bị về nước, chồng chị bắt đầu triển khai chiến dịch tấn công mạnh mẽ, còn theo chị về đến tận Việt Nam. “Nếu kết hôn với anh, em có đồng ý về lại Đài Loan không?” Sau cái gật đầu đồng ý của chị, chị Vân cùng chồng về Gia Nghĩa sinh sống và bắt đầu học cách trồng cây hoa quả, với mong muốn các chị em đồng hương đến từ Đông Nam Á có cơ hội được nếm thử hương vị hoa quả của quê nhà.

Thời báo Tân di dân toàn cầu cũng đã biên tập câu chuyện trong chuyên mục ngày hôm nay sang 5 thứ tiếng bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Indonesia, để nhiều độc giả và thính giả có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống nơi đất khách quê người của những di dân mới.

Trong buổi phỏng vấn, chị Vân chia sẻ sau khi kết hôn và về Gia Nghĩa sinh sống cùng chồng, chị có cơ hội được tham quan vườn cây ăn quả của một vị tiến sĩ, chị bày tỏ rất hiếu kỳ vì không biết “Làm thế nào ông có thể trồng được nhiều hoa quả của quê hương chúng tôi nhưu vậy?” Vị tiến sĩ chia sẻ, khi đi du lịch tại các quốc gia Đông Nam Á thì ông phát hiện ra hoa quả ở đây rất thơm ngon, vì vậy đã tìm cách đưa giống vào Đài Loan để trồng trọt. Chị Vân sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, vừa hay gia đình chồng ở quê có một mảnh đất rộng nên hai vợ chồng đã quyết định bắt tay vào làm nông nghiệp.

Chị Võ Thị Vân nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống vùng nông thôn, tự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và làm quen thêm nhiều người bạn mới. (Ảnh: Đài phát thanh Giáo dục quốc gia cung cấp)

Vào thời điểm đó, chị Vân vừa ôm con vừa đi học tại chức về ngành nông nghiệp thủy cơ, hữu canh. Sau khi làm quen với nhiều giáo viên, có cơ hội tìm hiểu sâu hơn, chị bắt đầu nảy sinh hứng thú với việc trồng cây ăn quả, qua quá trình ấp ủ và nỗ lực, cuối cùng chị cũng đã cho ra các loại giống cây ăn quả đến từ Đông Nam Á, trong đó có một loại được mọi người vô cùng ưa thích là chôm chôm. “Tôi hi vọng các chị em tân di dân có thể được nếm thử các loại hoa quả đến từ quê hương mình.” MC sau khi nghe xong cũng gật gù đồng ý: “Tôi cũng từng mua qua chôm chôm của chị Vân, lần đầu ăn xong hoa quả của quê nhà, cảm động đến mức rơi nước mắt!”

Hồi tưởng lại duyên phận với Đài Loan chị Vân chia sẻ, có một khoảng thời gian rất nhiều đàn ông Đài Loan đến Việt Nam cưới vợ, vì vậy chị thường được thuê đi làm phiên dịch, từ trong lời nói của họ dần dà chị cảm thấy hiếu kỳ với mảnh đất xa lạ này, trong đầu bắt đầu mường tượng ra cuộc sống con người nơi đây. Sau đó, có một công ty môi giới mời chị đến Đài Loan làm việc, lúc đó chị đã đồng ý ngay tắp lự, tận dụng cơ hội này để đi học hỏi thêm. Cũng nhờ vậy mà chị quen được người chồng hiện tại của mình.

Lần đầu đến Đài Loan làm việc, chị Vân vẫn chưa thích nghi được với đồ ăn ở đây. Vì khi ở Việt Nam chị có thói quen ăn đồ cay mặn, mà lúc đó ở Đài lại có rất ít tiệm bán đồ ăn quê hương, thêm vào đó khẩu vị của người Đài khá là thanh đạm, nên đối với chị sự khác biệt về ẩm thực là việc khó khăn nhất phải đối mặt. Sau đó, mỗi khi ra ngoài đi ăn, chị đều cầm theo một chai nước mắm hoặc là tương ớt, MC nghe đến đây bật cười thích thú: “Quá là đáng yêu.”

Ngoài ra, chị Vân đến Đài Loan cũng không quen với cuộc sống thiếu vắng bạn bè, vì vậy đã quyết định quay trở lại quê hương, nhưng không ngờ rằng chồng chị theo về đến tận Việt Nam và còn bày tỏ muốn cưới chị làm vợ, lúc đó chị không dám tin còn hỏi lại chồng: “Là thật sao?”, chồng chị trả lời lại ngay tức thì: “Đương nhiên là thật rồi.”

Lần tiếp quay trở lại Đài Loan, chồng đến sân bay đón chị về nhà, chị chỉ thấy xe chạy mỗi lúc một xa, phong cảnh bên ngoài cũng trở nên heo hút, lúc đó mới biết quê hương của chồng ở tận vùng núi tại huyện Gia Nghĩa, chị bày tỏ: “Lúc vừa đến cứ có cảm giác mình bị lừa.” Chị cũng nói đùa với các bạn của mình ở trên Đài Bắc là ở đây nơi tấp nập nhất chính là cửa hàng tiện lợi.

Người dẫn chương trình hiếu kỳ hỏi chị: “Vậy chị làm cách nào để thích nghi với cuộc sống mới?” Chị Vân chia sẻ, chị thường chạy xe máy chở các con đi ngắm phong cảnh ở trên núi, trên đây có hơi hoang vu hẻo lánh, nhưng nếu quen rồi thì thấy cuộc sống cũng rất thú vị. Chị cho rằng nhất định phải tự tìm niềm vui trong cuộc sống, quen biết thêm bạn bè như vậy thì mới không thấy buồn tẻ nữa.

Chị Vân cũng chia sẻ thêm, người bạn đầu tiên của chị khi đến Đài Loan là bác gái ở cạnh nhà. Lúc vừa đến vùng này, cả ngày không biết làm gì nên chỉ đứng trước cửa nhà đi qua đi lại, bác gái thấy chị trông có vẻ buồn chán nên chủ động đến bắt chuyện, vì vậy chị học được thêm tiếng Đài. “Khi mẹ tôi đến Đài Loan chơi, bác đã đưa mẹ cùng đi công viên, đi chợ, hai người chỉ có thể dùng cử chỉ hành động để giao tiếp với nhau, mẹ chị qua quá trình tiếp xúc cũng không tiếc lời khen bác gái là người vô cùng tốt bụng.

Cuối cùng kết thúc buổi trò chuyện, MC chia sẻ cảm nhận của mình, chị ví von chị Vân như một chú tắc kè hoa, đến một môi trường mới có thể tự động biến hóa lớp da của mình và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

Tin hot

回到頁首icon
Loading