img
:::

Thúc đẩy sức khỏe tinh thần cho di dân mới

Tác giả: Lý Ngọc Thiền - Chủ tịch Hiệp hội tâm lý về tư vấn y tế và sức khỏe Đài Loan/ Giáo sư đặc biệt tại Đại học Điều dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Đài Bắc
Tác giả: Lý Ngọc Thiền - Chủ tịch Hiệp hội tâm lý về tư vấn y tế và sức khỏe Đài Loan/ Giáo sư đặc biệt tại Đại học Điều dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Đài Bắc
Thời báo Tân di dân toàn cầu】/Đội ngũ biên tập

Theo định nghĩa của Sở Di dân thuộc Bộ Nội chính của Đài Loan: “Di dân mới là những người từ nước ngoài đến Đài Loan theo diện kết hôn, di cư và định cư tại Đài Loan”. Theo thống kê của Sở Di dân cho thấy, số lượng di dân mới đã có quốc tịch Đài Loan và thẻ căn cước Đài Loan đã vượt quá 650.000 người, vượt qua con số 570.000 người dân tộc nguyên trú của Đài Loan, chiếm khoảng 2,5% tổng dân số Đài Loan. Đài Loan là một quốc gia với sự chung sống đa dạng và hài hòa của các dân tộc, đang từng bước tiến tới việc chấp nhận tất cả các dân tộc với thái độ tích cực. Sự thay đổi này thể hiện rõ trong cách xưng hô, ban đầu, những trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Đài Loan và di cư đến Đài Loan thì được gọi là “hôn phối người nước ngoài” hay “cô dâu người nước ngoài”. Đến nay, các cơ quan chính phủ và người dân đã dần gọi bằng một cái tên thống nhất là “di dân mới” hoặc “cư dân mới”.

Trong 30 năm qua, phần lớn di dân mới của Đài Loan là đến từ Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam, Indonesia, Hồng Kông, Ma Cao và Philippines. Có thể thấy, ngoại trừ Trung Quốc là quốc gia có nhiều nét văn hóa tương đồng với Đài Loan, còn lại đa số những di dân mới là người thuộc các quốc gia Đông Nam Á thì khi kết hôn qua Đài Loan, việc đầu tiên phải đối mặt đó là rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, lo lắng về việc không hòa nhập với xã hội, bị quy chụp bởi những thành kiến, v.v., gây ra những áp lực về mặt tâm lý, dẫn đến khó thích nghi với môi trường sống mới.

Dưới đây là các vấn đề tâm lý thường gặp và cách giải quyết dành cho các trường hợp hôn nhân xuyên quốc gia hoặc gia đình của di dân mới:

  1. Rào cản ngôn ngữ: Di dân mới do không quen thuộc với ngôn ngữ địa phương nên không thể bắt kịp với những giao tiếp trong đời sống hàng ngày, dẫn đến cảm giác cô đơn và ảnh hưởng đến giao tiếp trong gia đình, ví dụ như làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu, tạo áp lực về mặt tâm lý. Khuyến nghị di dân mới nên tham gia các khóa học tiếng Hoa hoặc tiếng Mân Nam để cải thiện giao tiếp hàng ngày, đưa mọi người đến gần nhau hơn, từ đó giúp di dân mới quen biết thêm nhiều bạn bè hơn ở Đài Loan, hình thành một hệ thống có thể giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ và động viên lẫn nhau, cùng nhau hòa nhập vào cuộc sống địa phương.
  2. Vấn đề thích nghi văn hóa: Sự khác biệt trong phong tục văn hóa và thói quen sinh hoạt, cộng thêm việc không có người thân, gia đình và bạn bè ở bên cạnh để hỗ trợ, dẫn đến phát sinh vấn đề khó thích nghi. có thể gây ra lo lắng và trầm cảm. Ngoài ra, trong các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia, những quan điểm văn hóa khác nhau về hôn nhân, cách thức hòa hợp giữa vợ chồng, mẹ chồng và con dâu, cũng như cách nuôi dạy con cái cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, gây ra lo lắng và trầm cảm. Nên bao dung và chấp nhận cảm giác xa cách giữa những khác biệt về văn hóa, thu thập các phương pháp tự giải tỏa và điều chỉnh căng thẳng, đồng thời khuyến khích bản thân dần dần thích nghi với nền văn hóa mới. Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên giữ liên lạc với người thân ở quê nhà để giúp vơi đi nỗi nhớ quê hương, đồng thời cũng nên mở rộng tâm hồn để tìm hiểu lối sống văn hóa mới của người dân địa phương. Hãy thử sử dụng các nguồn tư vấn tâm lý để rèn luyện bản thân trở nên lạc quan và kiên cường hơn về mặt tinh thần.
  3. Lo lắng về kỳ thị xã hội: Nhiều người là con em của di dân mới đến từ các quốc gia Đông Nam Á lo lắng do hoàn cảnh gia đình khó khăn và kỹ năng ngôn ngữ hạn chế dẫn đến thành tích học tập kém, họ cũng thường quá lo lắng về việc các bạn cùng lớp sẽ hiểu lầm và phân biệt đối xử vì xuất thân trong gia đình di dân mới, từ đó thu mình lại và ảnh hưởng đến việc thích nghi. Ngoài việc dựa vào trường học để thúc đẩy sự đa dạng trong văn hóa và sự chung sống hài hòa, ngay từ trong tiềm thức của mình, con cái của di dân mới cũng cần củng cố lại nhận thức về bản thân, tìm ra một nơi để gửi gắm và nuôi dưỡng về mặt tinh thần. Việc tận dụng tốt các nguồn tư vấn tâm lý có thể đẩy nhanh quá trình khám phá bản thân, loại bỏ những định kiến tiêu cực về bản thân và khiến bạn nhận thức rõ hơn về đặc điểm và ưu thế của chính mình.
  4. Nhận thức về bản sắc và cảm giác thuộc về: Từ những đất nước xa xôi, di dân mới đến Đài Loan để xây dựng cuộc sống gia đình, ít nhiều đều phải trải qua những hỗn loạn về việc nhận thức bản sắc và đấu tranh với cảm giác phải thuộc về một nhóm người nào đó do những cú sốc văn hóa gây ra. Trong quá trình hòa nhập vào cuộc sống ở Đài Loan, hãy tham khảo những người đi trước đã thành công trong việc nhận thức về bản sắc, từ đó tìm ra lối thoát cho bản thân, hoặc tư vấn tâm lý cũng có thể là nguồn lực hữu ích để đồng hành cùng bạn trong việc tìm ra bản sắc và định vị lại cuộc sống của chính mình.

Sức khỏe tâm thần là một vấn đề quan trọng và phức tạp đối với di dân mới. Các vấn đề sức khỏe tâm thần không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh việc thúc đẩy sự thân thiện về đa văn hóa ở Đài Loan, di dân mới nên tích cực tham gia vào việc tự chăm sóc, sử dụng các công cụ như kiểm tra sức khỏe tâm lý mBMI (https://twmhcpa2020.wixsite.com/home/mbmi) để theo dõi và cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. (mBMI, trong đó “B” là “bạn bè”: Tôi có bạn bè tốt không? “M” là “cảm xúc”: Tôi có cảm thấy an nhiên không? “I” là “ý nghĩa”: Tôi quan trọng đến thế sao? Kiểm tra mức độ thân thiết qua những trợ giúp từ các cá nhân, mức độ kiểm soát sự ổn định về cảm xúc và mức độ nhận thức về giá trị bản thân, theo dõi tình trạng sức khỏe tâm thần của bạn bất cứ lúc nào và tìm cách cải thiện nó).

Nhiều chính quyền địa phương cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý chuyên biệt. Ví dụ, chính quyền thành phố Đài Bắc cung cấp các hoạt động tư vấn miễn phí cho di dân mới để giúp họ vượt qua khó khăn. Các nhà tâm lý học sẽ sử dụng kỹ thuật phỏng vấn và thông dịch viên là đi dân mới để tiến hành các cuộc thảo luận với cả gia đình hoặc thảo luận riêng 1 - 1, nhằm giúp các bên làm rõ nguyên nhân rắc rối của mình, tìm ra những phương pháp thích nghi có tính khả thi và hiệu quả nhất, đồng thời làm sáng tỏ những khó khăn trong cuộc sống và gia tăng sự cảm thông lẫn nhau trong gia đình. Hoan nghênh di dân mới tích cực sử dụng những nguồn hỗ trợ này, thông qua sự tư vấn và đồng hành của các chuyên gia để củng cố sức khỏe tâm lý cho bản thân mình.

Sở Di dân thuộc Bộ Nội chính Đài Loan cũng đã cung cấp đường dây nóng miễn phí: “Dịch vụ tư vấn đời sống dành cho người nước ngoài tại Đài Loan 1990 - Giúp bạn ngay lập tức”, với 7 loại ngôn ngữ bao gồm: tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái và tiếng Campuchia, cung cấp dịch vụ tư vấn về thích nghi cuộc sống và những nhu cầu khác dành cho người nước ngoài và di dân mới. Kêu gọi toàn xã hội tiếp tục quan tâm đến sức khỏe tinh thần của di dân mới, nâng cao hiểu biết về văn hóa của di dân mới và đồng hành cùng di dân mới thông qua kiểm tra mBMI và tư vấn kịp thời, để chống chọi tốt hơn với những thách thức trong cuộc sống và cùng chung sống hài hòa trong một xã hội đa văn hóa của Đài Loan. Các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ và mọi tầng lớp xã hội sẽ giúp những di dân mới dễ dàng thích nghi và duy trì sức khỏe tinh thần, đồng thời cùng nhau tạo ra một môi trường thân thiện và hỗ trợ hơn nữa cho những di dân mới.

Tác giả: Lý Ngọc Thiện(李玉嬋)

Hiện là Giáo sư đặc biệt tại Khoa Tâm lý Tư vấn Sự sống và Sức khỏe thuộc Đại học Điều dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Đài Bắc, Chủ tịch Hội Tâm lý Tư vấn Y tế và Sức khỏe, và Chủ tịch Hiệp hội Thúc đẩy Hạnh phúc Toàn diện.

Là người ủng hộ lâu dài cho việc thúc đẩy sức khỏe tâm lý cộng đồng, tư vấn tâm lý và hỗ trợ đau buồn. Tạo ra và quảng bá giải pháp tự quản lý "Chỉ số Sức khỏe Tâm lý Toàn dân - Nuôi dưỡng Hạnh phúc và Tình bạn" để ngăn ngừa trầm cảm thông qua tâm lý học dự phòng và tăng cường khả năng phục hồi và hạnh phúc tâm lý.

Tin hot

回到頁首icon
Loading