img
:::

Cô Phạm Hồng Diễm - di dân mới người Việt vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành giảng viên

Trạm Phục vụ của Sở Di dân tại thành phố Gia Nghĩa đã tổ chức khóa học "Giáo dục gia đình và tuyên truyền pháp luật dành cho di dân mới". (Nguồn ảnh: Trạm Phục vụ của Sở Di dân tại thành phố Gia Nghĩa)
Trạm Phục vụ của Sở Di dân tại thành phố Gia Nghĩa đã tổ chức khóa học "Giáo dục gia đình và tuyên truyền pháp luật dành cho di dân mới". (Nguồn ảnh: Trạm Phục vụ của Sở Di dân tại thành phố Gia Nghĩa)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/ Trịnh Đức Mạnh

Để khuyến khích di dân mới và con em của họ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, Sở Di dân trong năm 2022 đã lần đầu tiên lên kế hoạch đào tạo những di dân mới để trở thành những nhân tài đa văn hóa. Kết thúc khóa đào tạo, có 92 học viên nhận được chứng chỉ tốt nghiệp, trong tương lai sẽ đảm nhiệm vai trò là giảng viên văn hóa tại các Trạm Phục vụ. Trạm Phục vụ của Sở Di dân tại thành phố Gia Nghĩa đã tổ chức khóa học "Giáo dục gia đình và tuyên truyền pháp luật dành cho di dân mới". Đặc biệt, cô Phạm Hồng Diễm (范紅艷) là di dân mới người Việt Nam đã được mời đến làm giảng viên văn hóa cho khóa học, cô đã chia sẻ về quá trình tham gia khóa đào tạo những di dân mới để trở thành một giảng viên đa văn hóa.

20 năm trước, cô Phạm Hồng Diễm đã rất ngưỡng mộ khi nhìn thấy sự hạnh phúc của những người chị em cùng quê khi lấy chồng Đài Loan, cô rất mong rằng, cô cũng giống như họ, sẽ được kết hôn với người Đài Loan và có một gia đình hạnh phúc. Nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên gây ra nhiều khó khăn trong giao tiếp với gia đình chồng. Vì thế, cô đã rất chăm chỉ học tiếng Hoa, sau vài năm thì ngoại ngữ của cô ngày càng tiến bộ, có thể hiểu được những câu nói và cả suy nghĩ của gia đình, dần dần đã cải thiện được mối quan hệ giữa các thành viên với nhau.

Không lâu sau thì gia đình gặp biến cố, cô Diễm phải nuôi con một mình. Hiện tại, con trai cô đang học cấp 3, cô nghĩ mình cũng nên thay đổi bản thân, để có thể trở thành một phiên bản khác của mình. Vì vậy, cô đã dăng ký tham gia khóa đào tạo do Sở Di dân tổ chức. Cô Diễm cho biết: "Tôi từng tự ti và không dám bắt chuyện với mọi người. Sau khi tham gia khóa học, tôi đã tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau và gặp gỡ nhiều người bạn thuộc các quốc tịch khác nhau, điều đó cho tôi cảm giác an toàn và trở nên cởi mở, tự tin hơn. Tôi muốn cố gắng thay đổi bản thân mình, cũng như thay đổi suy nghĩ của con tôi để nó có thể tự hào khi có một người mẹ là di dân mới".

Bà Hoàng Diễm Huân (黃艷薰) – Chủ nhiệm Trạm Phục vụ của Sở Di dân tại thành phố Gia Nghĩa cho biết, Sở Di dân tích cực thúc đẩy chương trình đào tạo những di dân mới và con cái của họ trở thành những nhân tài đa văn hóa. Các học viên phải tham gia hai khóa học đào tạo chuyên sâu trình độ sơ cấp và trình độ nâng cao, mỗi khóa học là 28 giờ, và sau đó phải vượt qua bài kiểm tra thì mới được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo. Hy vọng, thông qua những khóa học này, di dân mới sẽ hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa của Đài Loan và tự tin làm cầu nối văn hóa của Đài Loan với các quốc gia khác, cũng như có thể thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc khác nhau cùng chung sống trên đảo ngọc này. Ngoài ra, di dân mới và người nước ngoài nếu gặp phải khó khăn hoặc vướng mắc khi sinh sống và làm việc tại Đài Loan có thể gọi đến đường dây nóng tư vấn đời sống dành cho người nước ngoài 1990 để được hỗ trợ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tin hot

回到頁首icon
Loading