“Dark Line” là sự kết hợp giữa đường hầm Sandiaoling, Sanzhuazi và cung đường đạp xe phía ngoài Sandiaoling, qua 3 năm tu sửa thì cuối cùng cũng đã hoàn thành. Vào tháng 7 năm nay, đường hầm chính thức được khai thông và đưa vào thử nghiệm hoạt động, dưới lớp bụi của thời gian, vẻ đẹp của nơi đây càng toát thêm phần cổ kính khiến cho những người yêu thiên nhiên, ưa thích khám phá phải trầm trồ thích thú, bởi hóa ra Đài Loan vẫn còn có nơi tuyệt đẹp đến thế. Giáo sư khoa Kiến trúc Trữ Thụy Chi bày tỏ “Nơi đây quả thật như là một viện bảo tàng ngoài trời.”
Tuổi thọ của đường hầm từ khi khánh thành cho đến nay cũng đã được hơn trăm năm, nhưng trong đó có tận 35 năm bị chôn vùi trong bóng tối, khi ông Ngô Trung Huân và đoàn đội từ Pháp, Tây Ban Nha đến thì nơi đây mới có cơ hội nhìn thấy mặt trời lần thứ hai.
Ngày hôm đó, ông Huân trực tiếp làm hướng dẫn viên, dẫn theo đoàn người cưỡi những chiếc xe đạp U-bike vàng nổi bật đi khám phá đường hầm, ngoài tiếng cót két, chà xát của bánh xe khi tiếp xúc với mặt đường, hầu như trong đường hầm chỉ nghe thấy tiếng nước chảy róc rách đến từ trụ chắn được gắn trên tường nhằm giúp người đi bên trong có thể hoàn toàn cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên.
Cung đường đạp xe Sandiaoling.
Trong đường hầm, chỉ có những tia sáng le lói hắt lên hai bên tường, du khách men theo ánh sáng mờ tiếp tục hành trình của mình. Dọc trên đỉnh hầm, nơi vầng sáng không thể lan tới, là những khoảng không đen kịt, đó là những vết tích khói đen của tàu xe lửa dưới thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan để lại theo năm tháng. Tiếp tục tiến về phía trước, dọc hai bên tường có thể dễ dàng bắt gặp những chuông đá được kết thành tinh thể có lẽ đã được trăm năm tuổi, hình dáng thon dài, trăng trắng, giống như những chuỗi ngọc ngà đá quý mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Tiếo tục tăng tốc độ, phía xa xa mọi người bắt đầu nhìn thấy ánh sáng chói lóa từ phía ngoài đường hầm hắt vào. Ông Ngô Trung Huân ra hiệu cho mọi người dừng xe lại, ông vừa chỉ về phía trước, vừa nói chỗ đó là nhà của loài dơi, nên mọi người phải chú ý nhỏ tiếng một chút, tránh làm chúng kinh sợ. “Du khách đạp xe trên cung đường của mình, không làm phiền các sinh vật khác, để những dòng nước mát lành tiếp tục chảy về xuôi, để cá tôm cua vẫn có nhà sinh sống.” Đây là nguyên tắc cơ bản của ông Huân khi làm công trình này.
Ông Ngô Trung Huân, kiến trúc sư cảnh quan đang giới thiệu Sandiaoling với du khách.
Ông Huân hồi tưởng lại 3 năm trước khi vừa tiếp nhận công trình này, lần đầu bước vào đường hầm ông có một cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, trên người mặc bộ quần áo mưa, cả chặng đường chỉ có thể lội nước, toàn thân lấm lem bùn đất nhưng hơn hết ông cảm nhận được sinh khí của đất trời, nhựa sống của mẹ thiên nhiên. “Đường hầm bị đóng cửa đã hơn 35 năm, nhưng thổ nhưỡng vẫn còn đó, tôm cá, ếch, dơi vẫn sinh sôi nảy nở tại đây, đó chính là sức mạnh của thiên nhiên, tôi nghĩ đây là một địa điểm tiêu biểu mà một kiến trúc sư về cảnh quan nên tìm kiếm.”
Đạp xe trong hầm nhấp nhô ghồ ghề, ánh sáng lại mờ mờ, ảo ảo, tại sao lại không đổ xi măng mà lại xếp những thanh sắt với nhau, xếp đặt lại không đều mà có những kẻ hỡ đan xem, nếu đồ vật không may rơi xuống phải làm thế nào, tại sao khi bắt đầu thử nghiệm hoạt động du khách lại chỉ có thể dắt xe đạp qua? Muôn trùng nghi vấn mà ông Huân phải đối mặt sau khi đường hầm xây dựng xong và đi vào thử nghiệm. Ông bày tỏ, sau mỗi một nghi vấn đó là cả một quá trình vắt óc suy nghĩ, làm thế nào để du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, nhưng cũng phải tôn trọng, giữ gìn môi trường thiên nhiên sinh thái của chúng ta. Nếu đổ đường xi măng, lắp đặt thiết bị đèn quá sáng, như vậy “sẽ mất đi ý nghĩa của sự tái sinh.”
Ra khỏi đường hầm Sandiaoling là ánh sáng chói rực rỡ của mặt trời, nhìn sang hai bên đường những khóm dương xỉ mọc tươi tốt, hình thành nên một khu rừng nhỏ xinh đẹp quanh đó, tiếp đến du khách tiếp tục đi vào đường hầm Sanzhuazi, ra ngoài động là vách đá dựng đứng cheo leo, điểm cuối của công trình đến đây là đã kết thúc rồi ư? Nhưng không, ông Huân quyết định lắp đặt các thanh thép kéo dài, thiết kế sáng tạo đó của ông cùng với đoàn đội của mình đã đưa được phong cảnh và ánh sáng bên ngoài vào hang tạo nên hình phản chiếu dưới nước, là nơi được nhiều du khách lựa chọn check-in mỗi khi có dịp đến khám phá cung đường Dark Line.
Cung đường xe đạp Sandiaoling chạy qua Khu Mudan thành phố Tân Bắc và đường núi Sandiaoling.
Để nối liền cung đường đến lộ lớn, cũng như bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đoàn đội của ông Huân đã hủy bỏ phương án dựng các trục bê tông từ dưới lòng sông lên mà quyết định làm một con đường bằng những thanh thép dài 200 mét nối trực tiếp với vách đá do nhóm kiến trúc sư đến từ Tây Ban Nha đề xuất. “Nếu điều này không được thực hiện, lối ra của đường hầm chỉ có thể được xây dựng như một con đường kéo dài, du khách thay vì được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, sông ngòi, thì chỉ có thể nhìn thấy những khối kiến trúc vô tri trước mặt. Ông Huân cười nói, khi thi công mọi người đều phải treo mình lên vách núi cheo leo, như hóa thân thành người nhện vậy.
Ra khỏi cung đường, du khách có thể bắt gặp khung cảnh xe lửa chạy ngang qua.
Mặc dù chỉ là một con đường ngắn, nhưng ông Huân đã phải suy xét rất kỹ lưỡng làm thể nào để giữ gìn một cành cây, một ngọn cỏ. Còn nữa, những thanh thép sau khi rỉ sét thì phải xử lý thế nào để có thể kéo dài tuổi thọ sử dụng của chúng, cuối cùng giải pháp được đưa ra là dùng sơn không màu sơn lên, dụng ý của nó làm lu mờ kiến trúc do con người tạo ra, trả lại cho thiên nhiên “spotlight” vốn có của nó.