Vừa túi tiền, hạ tầng phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh là những yếu tố giúp các sản phẩm bất động sản vùng ven TP.HCM vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong năm 2020.
Đó là thông tin được nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra tại hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận năm 2020”, do Cafeland tổ chức tại TP.HCM ngày 5-12.
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản, hiện nay tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM rất cao. Bắt đầu từ những năm 90, quy hoạch tại thành phố đã phát triển theo hướng từ phía nam rồi lan sang phía đông với các quận 2, 9, Thủ Đức, tiếp đến là khu vực phía bắc như Gò Vấp.
Mặc dù vậy, quỹ đất tại TP.HCM không phải là đã cạn kiệt nếu nhìn về hướng huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn.
Tuy nhiên, những khu vực này vẫn chưa có sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng giá cả đất đai cũng đã tăng khá cao, vượt qua tầm với của phần lớn người dân.
Các thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở. Các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai là các địa phương nổi bật.
Với những nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính không lớn thì việc mua những khu đất có diện tích nhỏ tại khu vực vùng ven là hướng đầu tư khôn ngoan. Bởi giá đất ở những vùng này còn khá rẻ so với vùng ven tại TP.HCM, có tính thanh khoản cao và có khả năng tăng giá trị từ sự phát triển của đô thị, khu công nghiệp của địa phương.
Nhưng ông Khương cũng lưu ý, đầu tư ở đâu cũng cần nghiên cứu kỹ lượng để hạn chế rủi ro. Bởi giá trị bất động sản bên cạnh hạ tầng kỹ thuật còn phải cần có sự phát triển của hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, hạ tầng kinh tế… để thu hút người dân về sinh sống.
Nếu chỉ ăn theo hạ tầng như sân bay thì sẽ rất rủi ro, bởi đây là các dự án phải triển khai trong nhiều năm, cần tầm nhìn dài hạn. Những bài học ở các “đô thị ma” lân cận TP.HCM vẫn còn đến hiện nay là minh chứng.
(Từ tuoitre.vn )