img
:::

Cùng tìm hiểu về tập tục và những kiêng kỵ trong ngày Tết truyền thống của người Hoa

Cùng tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền của người Hoa. (Ảnh: Pixabay)
Cùng tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền của người Hoa. (Ảnh: Pixabay)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Theo quan niệm dân gian, ngày Tết cổ truyền của người Hoa không thể thiếu các phong tục đặc trưng như treo câu đối đỏ, chuẩn bị cơm tất niên, cúng bái tổ tiên..., đồng thời họ cũng quan niệm vào những ngày đầu năm mới nên tránh phạm phải một số điều kiêng kỵ để cả năm được thuận buồm xuôi gió. Trong bài viết hôm nay, Thời báo Tân di dân toàn cầu xin phép tổng hợp những những phong tục và điều kiêng kỵ trong khoảng thời gian từ đêm Giao thừa đến mùng 2 Tết, giúp các bạn tân di dân hiểu thêm về văn hóa ngày Tết cổ truyền của người Hoa, để đón một cái Tết thật vui vẻ bên gia đình và người thân.

 

  • Đêm Giao thừa (21/1)

Tập tục: Vào đêm Giao thừa cả nhà cùng quây quần ăn bữa cơm cuối năm, các món ăn được chuẩn bị trong ngày này đều mang những ý nghĩa riêng, ví dụ như「長年菜」(rau trường thọ) tượng trưng cho sống lâu sống khỏe, 「菜頭」(rau củ) tượng trưng cho sự may mắn, ăn「魚」(cá) để hi vọng suốt năm dư giả, 「鳳梨」(quả dứa) mang ý nghĩa hưng thịnh, phồn vinh. Đặc biệt khi ăn cá phải chú ý không được ăn phần đầu và phần đuôi, vì món ăn này mang ý nghĩa cầu mong cho cả năm đều dư giả về tiền bạc, khi ăn rau trường thọ không nên cắn đứt, vì như vậy sẽ không linh ứng với ý nghĩa trường thọ, dài lâu.

Sau khi ăn xong bữa cơm tất niên, người lớn sẽ phát lì xì cho con cháu, mọi người sẽ gửi đến nhau những lời chúc bình an, may mắn tốt đẹp. Giống như Việt Nam, người dân Đài Loan cũng có tập tục thức đêm để đón giao thừa, thông thường sẽ bắt đầu từ lúc cả gia đình ăn cơm tất niên đến 12 giờ đêm, nhằm cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi.

Kiêng kỵ: Theo qian niệm dân gian, vào đêm giao thừa, nếu giặt giũ và phơi quần áo thì sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, vì vậy nên tránh hai việc này để phòng ngừa xui xẻo. Ngoài ra, nếu làm vỡ bát chén trong ngày Tết, người ta tin đó là điềm báo cho sự không may mắn xảy ra trong năm mới, vì vậy phải nói「歲歲平安」(luôn luôn bình an) ngay lập tức hoặc dùng giấy đỏ gói các miếng bát vỡ lại, sau đó để trên bàn cúng để hóa giải điềm gở. Đi ngủ vào đêm Giao thừa, tốt nhất là không nên tắt đèn, điều này tượng trưng cho việc mang lại ánh sáng cho năm sắp tới, nhiều hy vọng và nhiều hỷ sự.

 

  • Mùng một Tết (22/1)

Tập tục: Đốt pháo vào mùng 1 Tết để cầu chúc cho năm mới bình an, vạn sự như ý, đồng thời để tăng thêm không khí náo nhiệt cho dịp Tết Nguyên Đán. Ngoài ra, dân chúng cũng thường lui tới các địa điểm như chùa chiền để thắp hương, cúng bái đầu năm, tiện đó có thể đến nhà người thân, họ hàng, làng xóm để chúc Tết, hoạt động này được gọi là「走春」(du xuân). Vào mùng 1 Tết, nhiều ngôi chùa còn tổ chức hoạt động「搶頭香」(thưởng đầu hương), tương truyền nếu người nào giành cắm cây hương đầu tiên vào bát hương thì sẽ được thần linh phù hộ và chiếu cố trong cả năm.

Kiêng kỵ: Con gái đã xuất giá không thích hợp về nhà mẹ đẻ vào ngày này, nếu không sẽ đem lại xui xẻo cho gia đình. Vào ngày này cũng không thích hợp quét dọn, làm như vậy sẽ quét sạch đi những may mắn, tài lộc của năm mới, nếu nhất định phải quét thì có thể quét theo hướng từ ngoài vào trong.

  • Mùng 2 Tết (23/1)

Tập tục: Người Hoa quan niệm mùng 2 Tết là ngày con gái đã xuất giá đưa chồng và con cái về chúc Tết nhà mẹ đẻ. Khi về con gái nhất định phải mang theo quà cáp và bao lì xì để phát cho con cháu của nhà ngoại, tiền lì xì và quà đều phải chuẩn bị theo số chẵn, tượng trưng cho ý nghĩa thành đôi thành cặp.

Kiêng kỵ: Không thích hợp để ngủ trưa, nếu không cả năm sẽ lười biếng, không có chí tiến thủ. Ngoài ra cũng kiêng kỵ việc quét dọn, giặt quần áo, làm như vậy sẽ hất tài lộc ra khỏi nhà.

Tin hot

回到頁首icon
Loading