img
:::

Các công ty dược sản xuất kháng sinh có nguy cơ phá sản do khó thu hồi vốn và không mặn mà nghiên cứu kháng sinh mới.

Những công ty khởi nghiệp về kháng sinh như Achaogen và Aradigm (Mỹ) thì hoạt động cầm chừng, những tập đoàn dược phẩm như Novartis và Allergan đã rút khỏi lĩnh vực này, còn nhiều công ty khác đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ.

Thậm chí, một trong những nhà phát triển kháng sinh lớn nhất nước Mỹ là Melinta Therapeutics cũng cảnh báo các cơ quan quản lý rằng công ty này sắp cạn tiền. Nếu không có giải pháp, điều này đồng nghĩa với việc họ phải tuyên bố phá sản.

Tiến sĩ Helen Boucher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts, bang Massachusetts, (Mỹ) nhận định, cần phải cảnh báo tới mọi người về cuộc khủng hoảng này.

Các công ty đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các loại thuốc kháng sinh mới, nhưng lại chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết các loại thuốc kháng sinh được kê đơn dùng trong vài ngày hoặc vài tuần, chứ không phải thuốc điều trị mạn tính như tiểu đường hay viêm đa khớp... nên nhiều bệnh viện không sẵn lòng trả giá cao cho các liệu pháp mới.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm xuất hiện những cảnh báo chống lại việc lạm dụng thuốc kháng sinh, không ít bác sĩ miễn cưỡng kê đơn các loại thuốc mới. Nhiều nhà thuốc của bệnh viện lại phát thuốc kháng sinh rẻ dù loại thuốc mới hiệu quả hơn nhiều. Chính những điều này đã làm hạn chế khả năng thu hồi vốn đầu tư của những công ty đã nghiên cứu thuốc và nỗ lực để được cơ quan quản lý cấp phép. Trong những năm 1980, có đến 18 công ty dược phẩm lớn phát triển các loại thuốc kháng sinh mới nhưng nay chỉ còn 3 đơn vị.

Do thiếu vốn nên các công ty cũng không mặn mà đầu tư nghiên cứu. Trong vòng 20 năm qua, họ chỉ cho ra vỏn vẹn 2 nhóm kháng sinh mới. Đa phần các loại thuốc mới lại là biến thể của những loại hiện có.

Báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hàng năm có tới 2,8 triệu ca bệnh và 35.000 bệnh nhân tử vong do kháng kháng sinh.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc ước tính số ca tử vong trên toàn cầu do những loại vi khuẩn trên có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không có các liệu pháp mới.

(https://vnexpress.net/)

Tin hot

回到頁首icon
Loading