Chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân của Bộ Công an được Thủ tướng phê duyệt bằng quyết định 1368.
Theo thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, dự án Căn cước công dân ước tính 2.800 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể.
Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số. Theo tính toán sơ bộ của các đơn vị liên quan, thẻ căn cước gắn chip có thể đắt hơn thẻ vạch hiện nay từ 10.000 đến 20.000 đồng (Phí chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân hiện nay là 15.000 đồng). Các đơn vị sẽ cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên hay những người cấp lần đầu. Những người đã có thẻ căn cước công dân có mã vạch thì không bắt buộc đổi sang thẻ gắn chip khi chưa hết hạn.
Dự kiến trong tương lai, ngoài dữ liệu do ngành công an quản lý gồm khoảng 20 trường thông tin (họ tên, quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng...), có thể bổ sung, tích hợp các dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái... vào thẻ gắn chip. Đặc biệt loại thẻ này sẽ lưu trữ các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt bằng hình ảnh, vân tay ảnh và sinh trắc học... Đó là những dữ liệu mà thẻ căn cước mã vạch không lưu được.
Thông tin trong chip được mã hóa. Để sử dụng loại chip này có hai phương án là dùng công nghệ chạm hoặc không cần chạm; nếu chạm sẽ có thiết bị đầu đọc riêng, khi công dân làm việc ở đâu cảnh sát và các cơ quan chỉ cần quét là có thể tra được dữ liệu để phục vụ quản lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chip điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ.
Nguồn: vnexpress