Theo bài đăng trên Báo Thanh Niên cho biết, trưa ngày 7/5, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo khẩn, kể từ 18 giờ chiều ngày 7/5, các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người nơi công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng để phòng dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Cụ thể, ngoài các dịch vụ karaoke, vũ trường, bar, rạp chiếu phim, massage, xông hơi…TP.HCM cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga ...); các trung tâm nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức phải dừng hoạt động từ 18 giờ chiều ngày 7/5. Ngoài ra, các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người ở nơi công cộng (thể dục thể thao ngoài trời, hội chợ…) cũng phải tạm dừng.
Đối với các lĩnh vực được phép hoạt động, TP.HCM yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế và các bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP.HCM ban hành. Các sự kiện, hoạt động khi tổ chức phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 mét 2 người, số lượng người tham dự không quá 50% sức chứa của địa điểm tổ chức, tiến hành đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Theo Báo Nhân Dân điện tử cho biết, trong các ngày từ 18 đến 27-4, Bộ Y tế đã xác nhận có năm bệnh nhân Covid-19 tại Yên Bái, trong số này bốn bệnh nhân 2786, 2811, 2812, 2831 là chuyên gia người Ấn Độ, nhập cảnh vào Việt Nam hôm 18-4. Đến 27-4, có thêm một ca bệnh là lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2, là nơi cách ly tập trung chuyên gia và người từ nước ngoài về của tỉnh Yên Bái (bệnh nhân 2857). Kết quả ngày 30-4 cho thấy, tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn thuộc biến thể hiện đang lưu hành và gây bệnh tại Ấn Độ. Cụ thể là biến thể B.1.617.2. Đến ngày 9/5 vừa qua, trong số mẫu giải trình tự gien do các tỉnh gửi về có hai mẫu tại Hưng Yên, một mẫu tại Hà Nội và năm mẫu tại Thái Bình cho thấy đều thuộc biến thể B1.167.2 thuộc biến thể của Ấn Độ.
Cũng theo Báo Nhân Dân điện tử cho biết thêm, ngày 7-5, một nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang đã tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Theo BS Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm ở Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6-5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.
Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7-5-2021.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình, người thân của nữ nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch y tế tỉnh An Giang.