Nikkei cho hay đây là động thái tương tự như hãng bay giá rẻ Malaysia, AirAsia, để tìm hướng sinh lời mới từ kho dữ liệu hành khách khổng lồ. Vietjet đang lên kế hoạch sẽ ra mắt nền tảng này trong khoảng 2 năm tới, hợp tác với nhiều ngân hàng, khách sạn cũng như các doanh nghiệp khác.
Hiện Vietjet chưa công bố mức đầu tư cho kế hoạch này. Được biết nền tảng lữ hành và công nghệ tài chính mà AirAsia đang xây dựng sẽ ngốn của hãng 20 triệu USD mỗi năm thông qua các công ty con.
Phó chủ tịch của Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, cho hay hãng đang tìm cách để khai thác tốt lượng dữ liệu người dùng phong phú để mở rộng quy mô ra ngoài lĩnh vực vận tải hàng không, đi vào đời sống hàng ngày của khách hàng.
"Đi theo mô hình hãng 'hàng không tiêu dùng', chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử để cung cấp không chỉ vé máy bay mà thậm chí là mọi thứ khách hàng cần. Tất cả nhà cung cấp và đối tác sẽ gia nhập nền tảng này để bán sản phẩm không chỉ cho 30 triệu hành khách Vietjet Air, mà còn cho cả hàng trăm triệu người tiêu dùng ở Việt Nam và thế giới", bà Bình chia sẻ.
Bà Bình chia sẻ nền tảng này sẽ bao gồm cả dịch vụ tài chính, bảo hiểm cũng như đặt phòng khách sạn, mua sắm hàng tiêu dùng và hơn nữa. Doanh nghiệp sẽ mời các đối tác trong những lĩnh vực trên gia nhập nền tảng và sử dụng công nghệ blockchain để chia sẻ các giao dịch giữa các bên. Vietjet cho hay hãng đã bắt đầu đàm phán với một vài công ty đối tác.
Trước mắt, Vietjet sẽ tập trung bán hàng cho các hành khách của hãng. Tuy nhiên, bà Bình tin rằng, sau hai năm, khách hàng Vietjet không phải đối tượng duy nhất sử dụng nền tảng này. "Chúng tôi đang từng bước kết hợp cùng các công ty để hệ thống phong phú hơn", Phó giám đốc Vietjet chia sẻ.
Theo Nikkei, Vietjet đang nỗ lực để tăng doanh thu hàng và dịch vụ phụ trợ trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao gây áp lực lên ngành kinh doanh hàng không cốt lõi. Doanh thu vận tải hành khách của hãng tăng 28% trong năm qua, trong khi doanh thu hàng phụ trợ tăng tới 45%.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang là đường đua đốt vốn của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mới đây, Viettel cũng đã cho ra mắt sàn Vỏ Sò với mục đích giúp nông dân bán trực tiếp nông sản tới tay người tiêu dùng cũng như kinh doanh nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.
Trong lĩnh vực kinh doanh lõi của Vietjet Air là hàng không, thị trường đã xuất hiện hãng bay mới là Bamboo Airways cũng như nhiều hãng hàng không khác như Thiên Minh, Vietravel Airlines hay liên doanh AirAsia tại Việt Nam đang muốn cất cánh.
https://news.zing.vn/nikkei-vietjet-air-muon-mo-san-thuong-mai-dien-tu-post963354.html