Theo thống kê, hàng năm có hơn 6 triệu chiếc điện thoại được bán ra ở Đài Loan. Nhằm thúc đẩy việc tái chế điện thoại cũ, Sở Tái chế Tài nguyên (Bộ Môi trường) vừa công bố dự thảo về kế hoạch thu gom điện thoại di động.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối điện thoại di động, và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được yêu cầu thiết lập các điểm thu gom điện thoại cũ tại các nơi kinh doanh, đồng thời đưa ra ưu đãi dành cho khách hàng. Dự kiến chương trình sẽ được triển khai vào tháng 4 năm sau.
Mỗi năm, có hơn 6 triệu chiếc điện thoại di động được bán ra thị trường tại Đài Loan. (Ảnh minh họa: kho ảnh Pixabay)
Phó Giám đốc Sở Tái chế Tài nguyên cho biết, năm ngoái, tỷ lệ thu gom điện thoại cũ trên toàn Đài Loan chỉ ở mức 12%, tương đương với khoảng 750,000 chiếc điện thoại được tái chế, so với số lượng bán ra, con số này là rất nhỏ.
Theo khảo sát, lý do mà người dân không muốn tái chế điện thoại di động gồm: thiếu chương trình ưu đãi, điểm tái chế bất tiện và lo lắng về rò rỉ thông tin cá nhân. Do điện thoại di động chứa hơn 70 loại nguyên tố kim loại, nếu không tái chế một cách hợp lý, không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, 10,000 chiếc điện thoại tái chế, có thể tiết kiệm khoảng 220,000 kWh điện, tương đương với việc giảm khoảng 140 tấn lượng khí carbon.
Xem thêm: Cơ hội rinh iPhone khi chơi game tuyên truyền "Phòng, chống rửa tiền và bảo vệ dòng tiền"
Sở Tái chế Tài nguyên sẽ tiếp tục đánh giá, không loại trừ khả năng đưa laptop vào danh mục bắt buộc tái chế. (Ảnh minh họa: kho ảnh Pixabay)
Vì vậy, Bộ Môi trường quyết định xây dựng nội dung dự thảo, với mục đích nâng tỷ lệ tái chế điện thoại di động lên 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Các doanh nghiệp vi phạm các quy định sẽ bị xử phạt từ 30,000 đến 150,000 Đài tệ.
Đối với ý kiến có nên áp dụng mô hình tái chế tương tự cho máy tính xách tay hay không, Phó Giám đốc Sở Tái chế Tài nguyên cho biết, máy tính xách tay được xếp vào danh mục rác thải tái chế, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm này phải trả chi phí xử lý và tái chế trước.
Trong tương lai, Sở Tái chế Tài nguyên sẽ tiếp tục đánh giá, đồng thời không loại trừ khả năng đưa máy tính xách tay và các sản phẩm số tương tự khác vào danh mục bắt buộc tái chế, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách bán dịch vụ thay vì bán sản phẩm.
Xem thêm: Công ty bảo mật cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cập nhật Google Chrome và Safari