:::

【Listener Lắng nghe bạn】Nơi con tìm về

Ảnh: Em Ngô Đình Nhi cung cấp
Ảnh: Em Ngô Đình Nhi cung cấp
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Thời báo Tân di dân toàn cầu phối hợp cùng chuyên mục “Listener Lắng nghe bạn” giới thiệu tới quý khán thính giả những câu chuyện do tân di dân thế hệ thứ hai tự tay chắp bút. Thông qua các nội dung được truyền tải, phần nào giúp người đọc hiểu hơn với những hoàn cảnh khác nhau. “Listener Lắng nghe bạn” còn là một tổ chức phi chính phủ cung cấp miễn phí các dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý và y tế cộng đồng cho tân di dân và con em thế hệ thứ hai.

Trong tuần này, Thời báo Tân di dân toàn cầu xin phép giới thiệu tới quý độc giả bài viết “新之所向心的回歸” (Tạm dịch: Nơi con tìm về), do tác giả Ngô Đình Nhi chắp bút. Chúng tôi cũng đã biên tập câu chuyện trong chuyên mục ngày hôm nay sang 5 thứ tiếng khác nhau, gồm: tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Indonesia, giúp nhiều độc giả biết đến hơn câu chuyện truyền cảm hứng này.  

Tác giả: 吳沛臻(Ngô Đình Nhi)

(Đối với tác giả mà nói, đằng sau cái tên tiếng Trung là chất chứa những mong muốn, kỳ vọng của gia đình dành cho em, nên đôi khi không khỏi cảm thấy áp lực. Còn Đình Nhi – cái tên tiếng Việt thân thương ấy chỉ đơn giản mang ý nghĩa chúc phúc từ người thân, nên trong thâm tâm em vẫn giành sự yêu mến cho cái tên tiếng Việt hơn chút chút.)

Ảnh: Em Ngô Đình Nhi cung cấp

Mẹ tôi đến từ Việt Nam, còn bố là người Đài Loan, tôi chính là điển hình của “Tân di dân thế hệ thứ hai” mà mọi người thường hay nhắc đến. Xuất thân đặc biệt này đã mang đến cho cuộc đời tôi nhiều ý nghĩa to lớn, cụ thể nó hình thành trong tôi góc nhìn đa chiều khi nhìn nhận một vấn đề nào đó. Tôi cũng cảm thấy bản thân rất may mắn vì trên chặng đường trưởng thành hiếm khi tôi gặp phải những ánh nhìn hay xử sự không mấy thân thiện từ người khác, ngược lại những câu hỏi mà tôi thường nhận được lại là: “Cậu nghĩ mình là người Đài hay là người Việt?”, lúc còn nhỏ tôi nghĩ cũng chẳng buồn nghĩ mà trả lời luôn, nhưng mọi chuyện đã thay đổi cho đến một lần tôi có dịp được trở về Việt Nam. Lúc đó do không biết tiếng Việt nên tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp với người thân, khi dì của tôi đang giải thích một từ mà tôi không hiểu, bà ngoại đứng bên cạnh nghe thấy bèn bảo rằng: “Ôi dào, nó là người Đài Loan, nghe không hiểu đâu nên không cần phải giải thích làm gì!”, câu nói này của ngoại đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi, khiến tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.

Khi nghe ngoại nói vậy, tâm trạng của tôi vô cùng phức tạp xem lẫn chút buồn, vì mặc dù là cháu của bà, một nửa dòng máu chảy trong người tôi là do Việt Nam ban tặng, nhưng bà ngoại chỉ xem tôi như là người Đài Loan, nên kể từ giây phút đó tôi bèn hạ quyết tâm phải cố gắng học tập tiếng Việt. Sau khi trở về Đài Loan, tôi bắt đầu hành trình học tiếng mẹ đẻ. Phương pháp học của tôi khá đơn giản, chủ yếu chú trọng giao tiếp, nên ngoài thời gian nói chuyện bằng tiếng Việt với mẹ ở nhà, tôi cũng thường gọi điện thoại nói chuyện với người thân ở Việt Nam. Năm sau khi tôi về Việt Nam chơi, lúc này tôi đã có thể thành thạo giao tiếp hầu hết chủ đề trong đời sống thường ngày, khi ấy dì tôi còn cười nói với ngoại: “Tiếng Việt của bé Nhi đã tiến bộ rất nhiều, giờ được tính là con gái Việt Nam rồi đúng không mẹ.” Khi nghe dì nói vậy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bởi giờ đây tôi không chỉ còn là tân di dân thế hệ thứ hai tại Đài Loan mà còn được công nhận là người Việt Nam.

Ảnh: Em Ngô Đình Nhi cung cấp

Ngôn ngữ là cách thức nhanh nhất để kéo gần khoảng giữa người với người, hiện tai khi có người hỏi tôi đến từ đâu, tôi sẽ không do dự mà trả lời là “Tôi là người con của cả hai nước Đài Loan và Việt Nam”. Lúc trước tôi nghe được rất nhiều câu chuyện từ bạn bè là con em tân di dân, họ bị gia đình cấm cản học tiếng mẹ đẻ, nhưng mẹ tôi lại khác, bà kiên trì dùng tiếng Việt giao tiếp với tôi, tôi rất cảm ơn mẹ vì điều này, nhờ có mẹ mà sau này khi học tiếng Việt, tốc độ học của tôi cũng nhanh hơn người bình thường.  

Hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều suy nghĩ phiến diện đối với tân di dân cũng như tân di dân thế hệ thứ hai. Tôi còn nhớ trong một lần nhà trường tổ chức hỗ trợ kiểm tra lấy chứng chỉ cho nhóm học sinh yếu thế, tôi vô cùng bất ngờ vì trong nhóm yếu thế đó bao gồm cả con em tân di dân thế hệ thứ hai, những nhận thức này từ xã hội là một trong những nguyên nhân mà rất nhiều tân di dân thế hệ thứ hai không muốn thừa nhận thân phận của bản thân. Tuy nhiên, hiện tại đã có không ít người trẻ dũng cảm đứng lên khẳng định thân phận cũng như giá trị của bản thân, cố gắng thay đối cái nhìn của xã hội đối với tân di dân thế hệ thứ hai, hi vọng trong một ngày không xa, tất cả chúng ta đều có thể dũng cảm đứng lên thừa nhận thân phận đặc biệt của mình.

Trên chặng đường trưởng thành, mẹ có lẽ là người đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, từ những thói quen trong cuộc sống cho đến suy nghĩ, tư tưởng. Được tiếp xúc văn hóa của hai mảnh đất khác nhau từ khi còn nhỏ đã khiến tôi có được cái nhìn đa chiều đối với một vấn đề bất kỳ nào đó. Mẹ đã từng căn dặn tôi: “Mặc dù con sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, nhưng một nửa dòng máu chảy trong huyết quản của còn là Việt Nam cho con, vì vậy con cũng là người Việt.”

Tôi quan niệm không nên đặt ra bất kỳ giới hạn nào cho bản thân, bất kể mình mang quốc tịch gì hay đến từ đâu. Tôi yêu Đài Loan – nơi nuôi dưỡng tôi nên người, nhưng tôi cũng yêu Việt Nam – quê hương thân yêu của mẹ, thiếu đi bên nào đều không thể tạo nên tôi của ngày hôm nay.

Tác giả: Ngô Đình Nhi

Năm sinh: 2001

Học tại khoa Điều dưỡng – Đại học Khoa học Kỹ thuật Á Đông

Công việc hiện tại: Điều dưỡng tại cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn

Tin hot

Thông tin mới nhất 最新消息icon
回到頁首icon
Loading