Theo bài đăng trên trang truyenhinhdulich.vn cho biết, với người phụ nữ Thái trắng xưa, “cúp bửa” - chiếc nón truyền thống không chỉ là đồ vật giúp che nắng, che mưa, mà còn góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp riêng của họ. Vì vậy, đây là vật bất ly thân đối với người phụ nữ. Từ xa xưa, người Thái trắng ở Tây Bắc đã biết đan “cúp bửa”, có nơi gọi là “cúp tát”. Cúp chính là nón, bửa là cánh bướm. Đây là một loại nón đặc trưng của phụ nữ Thái trắng, khác với nón của đồng bào miền xuôi bày bán trên thị trường hiện nay, nó như một vật bất ly thân gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; Phong Thổ, Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Mường Lay, tỉnh Điện Biên...
Xem thêm: Sân bay Đào Viên thử nghiệm hệ thống nhận diện khuôn mặt cho hành khách khi làm thủ tục bay
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đan loại nón này, vì đòi hỏi người đan phải thật khéo tay, kiên trì, tỷ mỷ từ lúc chọn tre, vót tre, chẻ lạt, cho đến khi đan, hoàn thiện một chiếc nón theo yêu cầu. Loại nón này rất bền, lớp ngoài được đan từ lá cây mây là một loại lá rất dai; có một lớp khung bên trong dùng thanh tre nhỏ uốn cong tạo thành để buộc, xiết chặt các lớp lá cây mây lại với nhau cho chiếc nón được kín, chắc chắn, mịn đẹp. Một chiếc nón có thể dùng cả năm trời không rách, không hỏng. Ngày xưa, phụ nữ Thái trắng rất trân trọng chiếc nón truyền thống của dân tộc mình, đi đâu cũng mang theo chiếc nón. Sau khi sử dụng, bà con cất giữ rất cẩn thận tại nơi linh thiêng nhất, đó là ở “ cọ hóng” tức là gian thờ cúng tổ tiên của gia đình. Khi chết cũng mang theo một chiếc nón treo tại nhà mồ.
“Cúp bửa” - chiếc nón truyền thống của người phụ nữ Thái trắng xưa. (Nguồn ảnh: truyenhinhdulich.vn)
Trang truyenhinhdulich.vn cho biết thêm, ngày nay trên thị trường có nhiều chủng loại mũ nón, ô bày bán, nên rất ít khi nhìn thấy chị em đội nón bửa. Tuy nhiên, ở hầu hết các gia đình người Thái trắng, nhà ai cũng còn lưu giữ ít nhất một chiếc. Những chiếc nón truyền thống này xuất hiện nhiều trên các sân khấu, hội diễn văn nghệ quần chúng dân tộc. Đặc trưng nhất là điệu múa nón, với việc sử dụng “cúp bửa” là chủ đạo đã tôn thêm sự uyển chuyển, duyên dáng của người phụ nữ Thái. Và tại các cửa hàng bán sản phẩm mây tre đan thì vẫn thường bày bán mặt hàng này để phục vụ khách hàng. Chiếc "cúp bửa” - chiếc nón truyền thống ngoài tác dụng che nắng che mưa còn dùng để biểu diễn văn nghệ trên các sân khấu, cũng như hội thi hội diễn nghệ thuật quần chúng và là nét đẹp duyên dáng riêng của phụ nữ Thái trắng Tây Bắc.