Hầu hết chúng ta luôn cho rằng chỉ có một cách để thưởng thức âm nhạc – là lắng nghe. Giả định đó rất phổ biến, và mọi người sẽ ngạc nhiên khi thấy một người khiếm thính xuất hiện tại một buổi hòa nhạc, rạp phim hoặc trở thành fan hâm mộ của một nghệ sĩ, ca sĩ nào đó. Trên thực tế, người khiếm thính cảm thụ âm nhạc theo cách thức khác với của người thường, nhưng họ chắc chắn có thể cảm nhận được niềm vui âm nhạc mang lại. Không những vậy, họ thậm chí còn có thể tạo ra âm nhạc. Ví dụ kinh điển và phổ biến nhất chính là nhạc sĩ vĩ đại Beethoven (1770 – 1827). Trong 4 năm cuối đời, khi thính lực ngày càng suy giảm, ông vẫn có thể tạo ra âm nhạc có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến thế hệ sau này. Nhằm giúp cho người khiếm thính dễ dàng hòa nhập với xã hội và khơi dậy khả năng sáng tạo nghệ thuật của họ, Liên hoan phim quốc tế người khiếm thính tại Đài Loan 2021 với chủ đề “零距離 看見你” (tạm dịch: không còn khoảng cách, thông qua phim ảnh để thấy được câu chuyện của người khiếm thính) sẽ được diễn ra vào ngày 2-3/10, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho nên liên hoan phim sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, dù vậy ban tổ chức vẫn hy vọng thông qua sự đa dạng của nhiều thể loại phim khác nhau sẽ thu hút người khiếm thính và đông đảo công chúng quan tâm đến loại hình nghệ thuật thứ bảy này. Liên hoan phim quốc tế người khiếm thính năm nay sẽ công chiếu 8 bộ phim của Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đài Loan, từ các khía cạnh khác nhau về giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ ký hiệu, truyền tải quan điểm của người khiếm thính, đồng thời có thể khiến cho công chúng hiểu rõ hơn về thế giới của người khiếm thính.
Ông Tô Thạc Bân bày tỏ, có rất ít những tác phẩm phim ảnh do chính người khiếm thính Đài Loan thực hiện, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu những nhân tài trong lĩnh vực này. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Văn học Đài Loan)
Việc đưa các vấn đề của người khiếm thính lên màn ảnh sẽ khiến công chúng dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với thế giới của nhũng người khiếm thính, đồng thời cũng làm nổi bật hơn tầm quan trọng và vẻ đẹp của ngôn ngữ ký hiệu. Điều đặc biệt là, danh sách phim được trình chiếu năm nay cũng đề cập cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải vẻ đẹp của thơ văn. Tại buổi họp báo khai mạc Liên hoan phim, đơn vị tổ chức cũng mời em Lý Hựu Khánh là một bạn nhỏ khiếm thính đến thể hiện những bài thơ bằng ngôn ngữ ký hiệu, khiến cho người xem vô cùng xúc động.
Xem thêm: Sự đam mê diễn xuất của di dân mới Trần Thu Liễu và cô con gái 15 tuổi
Liên hoan phim quốc tế người khiếm thính tại Đài Loan 2021 với chủ đề “零距離 看見你” (tạm dịch: không còn khoảng cách, thông qua phim ảnh để thấy được câu chuyện của người khiếm thính). (Nguồn ảnh: Bảo tàng Văn học Đài Loan)
Ông Tô Thạc Bân, Giám đốc Bảo tàng Văn học Đài Loan cho biết, ngôn ngữ ký hiệu không chỉ giúp người khiếm thính thuận tiện hơn trong việc giao tiếp, mà ngôn ngữ ký hiệu cũng có thể được cảm nhận giống như những tác phẩm văn học, do đó thông qua mỗi một tác giả khác nhau sẽ truyền đạt tới công chúng những giá trị thẩm mỹ khác nhau. Ông Tô Thạc Bân cũng chỉ ra, có rất ít những tác phẩm phim ảnh do chính người khiếm thính Đài Loan thực hiện, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu những nhân tài trong lĩnh vực này. Người khiếm thính vốn dĩ dựa vào thị giác để cảm nhận thế giới xung quanh, nên việc đào tạo các nhân tài trong lĩnh vực phim ảnh cho người khiếm thính là điều rất đáng nên làm. Tháng 2 vừa qua, Bảo tàng Văn học Đài Loan cũng đã mở khóa đào tạo đạo diễn dành cho 15 người khiếm thính yêu thích phim ảnh, khóa đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng quay phim, biên tập và cắt ghép. Tại liên hoan phim năm nay cũng sẽ có tác phẩm do người khiếm thính Đài Loan thực hiện được trình chiếu để giới thiệu đến công chúng. Thông tin chi tiết mời truy cập vào website “台灣國際聾人電影節”
(Liên hoan phim quốc tế người khiếm thính tại Đài Loan) để tìm hiểu thêm.