Trong "Hội nghị biểu dương chuyên gia công tác xã hội toàn quốc năm 2021" vừa qua, cô Hứa Thục Phân một trong những giám sát viên công tác xã hội giành được "Giải thưởng giám sát công tác xã hội xuất sắc". Mục tiêu ban đầu khi cô quyết định bắt đầu công việc giúp đỡ những người phụ nữ là di dân mới chính là “duy trì sự hứng thú với sự đa dạng của các nền văn hóa khác nhau, đồng thời luôn luôn sở hữu sự nhạy bén để trưởng thành trên con đường học tập”. Và đây cũng là tâm niệm mà cô đã kiên trì trong suốt quá trình làm việc nhiều năm qua.
Cơ duyên đến với công việc tư vấn và giúp đỡ di dân mới
Cô Hứa Thục Phân cho biết, cơ duyên đến với công việc này là do ban đầu khi thi tuyển làm giáo viên không được suôn sẻ nên cô đã chuyển sang ngành công tác xã hội. Mặc dù công việc đều tiếp xúc với "con người", nhưng môi trường sống lại không giống nhau, những di dân mới phải đối mặt với sự khác biệt và tư tưởng của nền văn hóa nước ngoài, muốn đi vào trái tim của các chị em di dân mới thì phải bắt đầu từ chính bối cảnh cuộc sống của họ.
Con đường tư vấn và giúp đỡ phụ nữ di dân mới
Con đường tư vấn cho phụ nữ di dân mới còn rất dài và vất vả, cô Hứa Thục Phân cũng cho biết thực tế không có nhiều trường hợp thành công như mong đợi, hầu hết các chị em di dân mới đều gặp phải các vấn đề về gia đình, để giữ thể diện cho gia đình, nhiều chị em di dân mới thường chọn cách im lặng và nhẫn nhịn. Những chị em không có khả năng tự chủ trong cuộc sống vừa không thể rời bỏ gia đình ở Đài Loan mà cũng không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình nhà mẹ đẻ. Những chuyên viên công tác xã hội chỉ có thể trò chuyện và đồng hành với các chị em, cố gắng giúp họ tháo gỡ những vấn đề gia đình mà họ gặp phải và cùng họ vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.
Đối với những chị em có khả năng tự chủ cuộc sống, do ước mong về một gia đình và yếu tố con cái nên cuối cùng cũng chọn ở lại Đài Loan. Nhưng cô Hứa Thục Phân cho biết, trên thực tế khi những đứa trẻ lớn lên, những chị em có năng lực và điều kiện vẫn sẽ chọn cách rời đi và xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Thành tích của những chị em này cũng rất đáng nể. Rất nhiều người trong số họ cuối cùng còn trở thành giảng viên và chia sẻ những kinh nghiệm xương máu của bản thân mình cho những chị em mới sang Đài Loan hoặc những chị em đang gặp khó khăn, họ đã trở thành ngọn hải đăng cho cuộc sống của những chị em di dân mới. Còn gì vui hơn khi nhìn thấy những chị em được tư vấn trước đây nay cũng đã trở thành một trong những nhân viên phục vụ, càng vui hơn nhiều khi được thấy các chị em cũng gia nhập hàng ngũ quan tâm, chăm sóc cho những di dân mới.
Những thách thức của xã hội và những vấn đề mới
Cô Hứa Thục Phân cho biết trong mười năm qua, các vấn đề về di dân mới liên tục thay đổi, từ việc tập trung vào vợ / chồng là người nước ngoài đến việc phải đối mặt với việc giáo dục con cái của những di dân mới, các dịch vụ hỗ trợ dựa trên độ tuổi cho những di dân mới...
Một số con em của di dân mới lớn lên ở nước ngoài (quê gốc của cha/mẹ) và sau khi học xong tiểu học mới trở về Đài Loan. Nhân viên công tác xã hội đã giúp các em nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở Đài Loan, hoặc chú ý đến các chính sách của chính phủ đối dành cho con em của những di dân mới. Hay thông qua tranh ảnh, sách báo phim ảnh giúp con em của những di dân mới tích cực tìm hiểu về văn hóa của quê hương mẹ đẻ. Cũng các hoạt động có sự tham gia của cả gia đình các di dân mới giúp tăng thêm sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình trở nên thân thiết hơn.
Bước chuyển mình của những người phụ nữ di dân mới
Trong những năm gần đây, nhiều di dân mới đã nhập quốc tịch Đài Loan và bắt đầu có quyền bầu cử, thông qua các khóa học và đào tạo đa dạng dành cho cư dân mới giúp họ cũng bắt đầu có những ý tưởng và sáng kiến riêng, tạo cơ hội được tiếp xúc với xã hội thế giới bên ngoài nhiều hơn.
Sự kiên trì và niềm tin
Trong cuộc trò chuyện với nhân viên xã hội Hứa Thục Phân, có thể thấy cô ấy không nghĩ rằng giải thưởng là thành quả to lớn trong sự nghiệp của mình mà chỉ là để khích lệ sự kiên trì và niềm tin của cô đối với công việc hiện tại của mình. Cô luôn tâm niệm "Cần phải duy trì sự hứng thú với sự đa dạng văn hóa của các quốc gia khác nhau. Không được mang thái độ chỉ trích, phê phán khi tìm hiểu cuộc sống của các chi em di dân mới, điều quan trọng nhất là bản chất biết quan tâm đến người khác”.