Thời báo Tân di dân toàn cầu hợp tác với đài phát thanh IC Voice FM97.5【新生報到-我們在台灣】(Tạm dịch: Tân di dân báo danh - Chúng tôi ở Đài Loan), cho ra mắt một loạt câu chuyện thú vị về những tân di dân đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan. Trong tập hôm nay, chương trình có dịp mời đến chị Trương Gia An (張家安) – tân di dân đến từ Hồng Kông. Chị An hiện tại đang là kĩ sư làm việc tại khu công nghệ cao Tân Trúc, đồng thời cũng đang theo học tại chức sau đại học. Chị thường xuyên quan tâm đến các vấn đề của Tân Trúc, cũng tham gia quay phim tài liệu về những vấn đề này.
Thời báo Tân di dân toàn cầu cũng đã biên tập câu chuyện trong chuyên mục ngày hôm nay sang 5 thứ tiếng bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Indonesia, để nhiều độc giả biết đến hơn về câu chuyện của nhân vật.
Khi chị lên 10 tuổi, vì công việc của bố nên cả gia đình di cư đến Đài Loan. Sinh ra và lớn lên tại Hồng Kông nên chị An từ nhỏ không biết nói tiếng Hoa, chỉ khi học lớp 4 mới bắt đầu học ký hiệu phiên âm ở Đài Loan, do sự khác biệt về ngôn ngữ và giọng nói nên chị thường bị bạn bè cùng lớp chế giễu, kỳ thị, điều này tạo động lực và không ngừng thôi thúc chị phải tìm hiểu rõ về văn hóa Đài Loan.
Bộ phim “Con đường gập ghềnh” do tân di dân Trương Gia An quay. (Ảnh: Lấy từ YouTube)
Nhớ lại tuổi thơ, chị An chia sẻ, chị lớn lên tại khu Sa Điền, Tân Giới, Hồng Kông, so với trung tâm xứ cảng thơm, Sa Điền giống như một khu ngoại ô nhỏ tách biệt. Chị nhớ nhất là mỗi dịp Tết Trung Thu, các bạn nhỏ trong khu phố sẽ dùng hộp bánh trung thu để châm nến, cùng nhau ngắm nhìn ngọn lửa cháy rực như pháo hoa. Sau này, khi có dịp sắp xếp lại album ảnh, chị tình cờ phát hiện bố mẹ đã giúp chị chụp lại khoảng khắc khi đang chơi trò này cùng bạn bè, bức ảnh trở thành một hồi ức quý giá giúp chị lưu giữ ký ức tuổi thơ tại quê nhà cũ.
Còn nhớ ngày đầu tiên đến Đài Loan, mọi thứ đều vô cùng mới lạ với chị, đổi lại đồ ăn ở đây rất ngon, nhưng mỗi khi đêm đến chị lại trốn trong chăn khóc thút thít vì nghĩ cả đời này sẽ không được gặp lại những người bạn thuở nhỏ của mình ở Hồng Kông nữa. Hơn nữa, điều khiến chị đau lòng nhất là mỗi khi nhận được tin tức báo họ hàng qua đời chị lại không thể ở bên họ lần cuối. Giá như tất cả người thân của chị đều sống ở Đài Loan thì sẽ tốt biết mấy.
Xem thêm: Hiệp hội Chị em Nam Dương Đài Loan phát huy sức mạnh phụ nữ, xúc tiến bình đẳng đa nguyên văn hóa
Chị An cùng di cư đến Đài Loan khi mới 10 tuổi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trở lại thời điểm hiện tại, vấn đề khiến chị An quan tâm nhất hiện nay là việc di dời của người dân thôn Đại Kỳ. Mỗi khi phỏng vấn dân cư ở đây, nhìn thấy có người bận rộn đóng gói hành lý chuyển đi chị lại như nhìn thấy hình bóng của gia đình mình năm xưa, cảm nhận được nỗi tiếc nuối, không nỡ của họ khi phải rờ xa một nơi đã quá thân thuộc với mình để tới một vùng đất xa lạ. Mẹ chị An từng nói với chị hãy xem Tân Trúc như là nhà của mình, bởi vì đây là nơi họ đã gắn bó từ lâu khi đến Đài Loan.
Trong tương lai, sau khi hoàn thành luận văn thạc sĩ, chị An mong muốn có thể xuất bản nó thành sách, đồng thơi hy vọng bộ phim tài liệu "Con đường gập ghềnh" của chị có thể được chiếu tại các nhà sách giúp nhiều người hiểu hơn về vấn đề di dời của làng Đại Kỳ, cũng như khám phá cách mà công nghệ cùng tồn tại với đời sống văn hóa của chúng ta.