Nhằm giúp tân di dân nhận biết và phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo thường gặp hiện nay, Chi cục cảnh sát số 2 thuộc Cục Cảnh sát Đài Bắc vừa qua đã bắt tay với Cứ điểm quan tâm cộng đồng di dân (YWCA), tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo bằng 4 thứ tiếng, gồm tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Indonesia và tiếng Myanmar.
Theo thống kê của trang web phòng chống lừa đảo 165, số lượng trường hợp công dân Đài Loan trình báo bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến trong năm nay đã lên tới 1201 vụ việc. Ngoài ra, các vụ án liên quan đến “hủy thanh toán trả góp” cũng đã đạt 1601.
Lợi dụng tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người dân, các đối tượng lừa đảo thường giới thiệu các sản phẩm giá rẻ trên website bán hàng hoặc các hội nhóm Facebook, sau khi đặt hàng và thanh toán thành công, người dân mới té hỏa vì không nhận được sản phẩm cũng như liên hệ được với người bán.
Tuyên truyền toàn dân phòng chống lừa đảo 165. (Ảnh: Lấy từ Facebook “Toàn dân phòng chống lừa đảo 165”)
Một thủ đoạn lừa đảo thường gặp khác là giả mạo chăm sóc khác hàng, giao dịch viên ngân hàng, nói dối việc đơn hàng gặp vấn đề dẫn đến các khoản phí bị trừ nhiều lần, sau đó yêu cầu người dân đến ATM thao tác để hủy bỏ, nhân đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cảnh sát khuyến cáo người dân khi mua hàng qua mạng nên lựa chọn các nền tảng uy tín, sử dụng hệ thống giao dịch an toàn mà nền tảng cung cấp, không dùng các phần mềm khác để liên hệ với người bán. Sử dụng ATM hoặc internet banking không có chức năng hủy bỏ trừ tiền hoặc hủy đơn hàng. Không tùy tiện đặt niềm tin khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là cơ quan tài chính.
Dù phương pháp lừa đảo có thay đổi như thế nào, người dân chỉ cần cẩn thận xác minh thông tin là đã có thể thành công trong việc phòng chống lừa đảo. Nếu xem được quảng cáo giả, nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi lạ, hay yêu cầu add thông tin liên hệ, người dân có thể truy cập trang web toàn dân phòng chống lừa đảo 165 để tra cứu xem số điện thoại, ID LINE hoặc thông tin lừa đảo khác đã được báo cáo trước đó hay chưa.