Hiện nay, thành phố Đào Viên là địa phương xếp thứ 4 trên toàn Đài Loan về số lượng tân di dân, lên tới 60.000 người. Nhằm hỗ trợ tân di dân được hưởng các quyền lợi bình đẳng tại quốc đảo, chính quyền địa phương đã thành lập Hội quán Văn hóa Tân di dân Đào Viên. Đây là tổ chức đầu tiên tại Đài Loan cung cấp hỗ trợ đa phương diện về quy trình nhập tịch, bồi dưỡng năng lực, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ pháp lý, phần nào giúp tân di dân giải quyết được các khó khăn trong cuộc sống.
Chuyên mục nhân vật nổi tiếng số này của Thời báo Tân di dân toàn cầu có dịp mời đến chị Trương Dư Đình, người từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội quán Văn hóa Tân di dân Đào Viên trong thời gian 3 năm, nhằm chia sẻ về hành trình giúp đỡ tân di dân tại Đài Loan trong suốt thời gian qua của chị. Ngoài ra, chị cũng cất lên tiếng nói hy vọng về một hệ thông thông tin, dịch vụ bình đẳng và minh bạch hơn dành cho tân di dân trong tương lai.
Xem thêm: Đổ vỡ và tái sinh sau dịch bệnh: Tương lai nào cho tân di khi khi về già
Hình ảnh chị Trương Dư Đình đang thuyết trình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị Đình từng là sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn học Đài Loan tại trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan. Sau khi tốt nghiệp, chị làm trợ lý Quốc hội Viện Lập pháp trong nhiều năm, tích cực tham gia chính trị và công việc phục vụ người dân. Trong một lần tình cờ, chị có cơ hội tiếp xúc với công việc liên quan đến tân di dân tại thành phố Đào Viên, từ đó đã mở ra con đường giúp chị tìm hiểu sâu hơn về những góc khuất đối với các vấn đề liên quan đến tân di dân tại Đài Loan hiện nay.
Chị Đình bày tỏ, ban đầu hội quán nằm lọt thỏm trong một góc thuộc Trung tâm Phụ nữ Đào Viên, cách ga xe lửa không xa. Mặc dù không gian nhỏ hẹp, nhưng vẫn đạt được mục đích ban đầu của trung tâm là thành lập một mô hình dịch vụ toàn diện, tập hợp các chuyên gia được phân bổ từ các cơ quan về dân sự, xã hội, lao động, giáo dục và y tế.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp tân di dân được sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện hơn, một năm sau, Hội quán Văn hóa Tân di dân Đào Viên đã chính thức khai trương, không chỉ có không gian lớn hơn, mà hội quán còn được chia thành nhiều đơn vị nhỏ như Trung tâm phục vụ gia đình tân di dân, Trung tâm phục vụ lao động di trú, Trung tâm sức khỏe và tâm lý dành cho tân di dân, đồng thời còn sắp xếp thông dịch viên hỗ trợ, xử lý kịp thời các vấn đề của người nước ngoài khi đến đây làm việc.
Ảnh giới thiệu các tầng của Hội quán văn hóa tân di dân TP. Đào Viên. (Ảnh: Hội quá văn hóa tân di dân TP. Đào Viên)
Sau khi gia nhập Hội quán Văn hóa Tân di dân Đào Viên, chị Đình mới có cơ hội đi sâu tìm hiểu về những khó khăn cũng như các nhu cầu trong cuộc sống của tân di dân hiện nay. Dựa trên kinh nghiệm của mình, chị Đình rút ra bài học "cung cấp hỗ trợ kịp thời, tổng hợp" là phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề của tân di dân.
Trong hơn 3 năm qua, chị liên tục đề xuất các dự án và kế hoạch chuyên môn khác nhau, phân chia các đơn vị tiếp nhận từng lĩnh vực hoặc đối tượng riêng trên mỗi tầng của hội quán. Khi tân di dân có bất kỳ vấn đề gì cần giúp đỡ, họ chỉ cần tìm đến một đơn vị để giải quyết trước, sau đó sẽ được chuyển tiếp đến các đơn vị liên quan khác để xử lý. Sự tích hợp dịch vụ như vậy không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tân di dân, mà còn giúp hội quán thuận tiện hơn trong việc cung cấp dịch vụ. Dần dà, nơi đây đã trở thành trung tâm dịch vụ hoàn chỉnh nhất cho tân di dân tại Đài Loan.
Xem thêm: Cuộc sống mĩ mãn của di dân mới Phan Si Leng người Campuchia
Các loại hình phục vụ tại Hội quá văn hóa tân di dân TP. Đào Viên. (Ảnh: Hội quá văn hóa tân di dân TP. Đào Viên)
Ngoài các khóa học ngôn ngữ, Hội quán Văn hóa Tân di dân thành phố Đào Viên còn cung cấp nhiều khóa học liên quan đến cuộc sống. Do Đào Viên tập trung đông đảo người Khách Gia sinh sống, nên rất nhiều tân di dân có nhu cầu học ngôn ngữ địa phương này. Ngoài ra, hiện nay ngày càng có nhiều tân di dân có nhu cầu học thêm các kỹ năng mới, vì vậy hội quán cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp như kiến thức cơ bản về thi công điện nước, thẩm mỹ, nấu ăn, thương mại điện tử, máy tính... giúp tân di dân nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động,
Nhân viên công tác xã hội tại Hội quán văn hóa tân di dân TP. Đào Viên cung cấp nhiều hạng mục hỗ trợ khác nhau. (Ảnh: Hội quá văn hóa tân di dân TP. Đào Viên)
Chị Đình cũng đề cập đến một vấn đề mà chị thường thấy trong quá trình phục vụ tân di dân, đó là sự bất bình đẳng về việc tiếp nhận thông tin quan trọng từ chính phủ. Ví dụ, trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Chỉ huy Phòng chống dịch bệnh là cơ quan chịu trách nhiệm công bố tin tức, tuy nhiên hầu như chỉ có bản thông tin bằng tiếng Hoa, mà thiếu đi các ngôn ngữ khác.
Do nhiều tân di dân không hiểu nội dung các thông tin bằng tiếng Hoa, vì vậy Hội quán Văn hóa tân di dân của thành phố Đào Viên đã chủ động cung cấp các bản dịch bằng năm ngôn ngữ, bao gồm tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Indonesia..., giúp tân di dân có thể nắm bắt kịp thời các thông tin quan trọng. Hành động chu đáo như vậy đã gây được tiếng vang, khiến các cơ quan phục vụ tân di dân tại các địa phương khác cũng bắt đầu học tập theo.
Chị Đình cũng nhắc đến Thời báo Tân di dân toàn cầu, là một trang báo mạng chính thống của Sở Di dân, cung cấp nhiều thông tin hữu ích dành cho tân di dân như tin tức đời sống, phúc lợi xã hội, chính sách mới, sự kiện quốc tế. Đối tượng độc giả chính của trang báo là người nước ngoài sinh sống tại Đài Loan, nên các tin tức chủ yếu được viết bằng 5 ngôn ngữ, bao gồm: tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Indonesia, tiếng Thái và tiếng Việt. Hoan nghênh tân di dân đón đọc để có thể cập nhật tin tức tại Đài Loan một cách nhanh chóng và kịp thời.
Hội quá văn hóa tân di dân TP. Đào Viên đi sâu vào khu dân cư để làm công tác hỗ trợ. (Ảnh: Hội quá văn hóa tân di dân TP. Đào Viên)
Mặc dù hiện tại chị Đình đã chia tay Hội quán Văn hóa Tân di dân thành phố Đào Viên, nhưng chị vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền và lợi ích của tân di dân tại Đài Loan, chị tích cực tham gia vào các vấn đề chung của xã hội và xuất bản sách trên các phương tiện truyền thông để nói lên tiếng nói thay cho tân di dân. Chị hy vọng trong tương lai dự thảo "Luật Di dân và Xuất nhập cảnh" sẽ nhanh chóng được thông qua, nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền lợi của những người nhập cư. Chị cũng mong rằng các chính sách được đưa ra từ chính phủ có thể cập nhật thêm các ngôn ngữ khác, để tân di dân tại Đài Loan có thể được tiếp nhận thông tin một cách bình đẳng và minh bạch hơn.