Thời báo Tân di dân toàn cầu hợp tác với đài phát thanh IC Voice FM97.5【新生報到-我們在台灣】(Tạm dịch: Tân di dân báo danh - Chúng tôi ở Đài Loan), cho ra mắt một loạt câu chuyện thú vị về những tân di dân đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan. Trong tập hôm nay, chương trình có dịp mời đến chị Quách Dực San (郭翊姍) – tân di dân đến từ Indonesia, hiện đang là giáo viên tiếng Anh tại trường tiểu học Guan-Pu, Tân Trúc. Ngoài ra, trong chuyên mục ngày hôm nay, còn có sự xuất hiện của hai người con của chị San, để chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi có cơ hội cùng mẹ quay trở về quê ngoại thăm họ hàng.
Thời báo Tân di dân toàn cầu cũng đã biên tập câu chuyện trong chuyên mục ngày hôm nay sang 5 thứ tiếng bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Indonesia, để nhiều quý độc giả hiểu rõ hơn về cuộc sống nơi đất khách quê người của những di dân mới.
Trong giảng dạy, chị ưu tiên áp dụng phương pháp xây dựng tình huống, giúp học sinh thực hành sử dụng ngoại ngữ ngay chính từ cuộc sống hàng ngày. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Nhớ về những kỷ niệm về tuổi thơ, chị San tâm sự "quả trứng đỏ" có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với chị, nó tượng trưng cho tình yêu thương giản dị, mộc mạc của người bà ở Indonesia dành cho đứa cháu nhỏ. Năm 11 tuổi, chị theo gia đình đến Đài Loan định cư, khi mọi người đang chuẩn bị lên đường ra sân bay, bà đã dúi những quả trứng vào tay chị, để các con các cháu có thứ lót dạ dọc đường. Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ đó chị San lại như được tiếp thêm động lực để tiếp tục phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thử thách nơi đất khách quê người.
Chị kể từ lâu chị đã xem Đài Loan như là quê hương thứ hai của mình. Trong quãng thời gian đi học và đi làm tại nơi đây, chị San may mắn luôn được quý nhân giúp đỡ. Năm 2019, chị trúng tuyển vào làm giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học. Trải qua 17 năm phấn đấu, cuối cùng chị cũng vươn tới ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh. Ngoài công việc chính trên trường, hiện tại chị cũng đang là trợ lý chính của "Nhóm phụ đạo ngôn ngữ dành cho tân di dân thành phố Tân Trúc".
Trong giảng dạy, chị ưu tiên áp dụng phương pháp xây dựng tình huống, giúp học sinh thực hành sử dụng tiếng Anh ngay chính từ cuộc sống hàng ngày, đây được xem là phương pháp giảng dạy vô cùng hiệu quả, tập trung vào kỹ năng giao tiếp thực tế, giúp các em học sinh học ngoại ngữ một cách vui vẻ, ít áp lực.
Chị và hai con có cơ hội tham gia "Dự án tham gia hoạt động xã hội dành cho con em của di dân mới – Chương trình hãy hát lên dành cho con em di dân mới". (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Chị San cũng chia sẻ thêm, tháng 12 năm ngoái chị và hai con có cơ hội tham gia hoạt động "Dự án tham gia hoạt động xã hội dành cho con em của di dân mới – Chương trình hãy hát lên dành cho con em di dân mới" do Trung tâm Dịch vụ gia đình tân di dân thành phố Tân Trúc tổ chức. Chương trình do ca sĩ kiêm nhạc sĩ người dân tộc Khách Gia trực tiếp hướng dẫn 11 em là tân di dân thế hệ thứ hai, thanh thiếu niên người Khách Gia, Mân Nam và các phụ huynh dùng tiếng mẹ đẻ của mình thể hiện ca khúc “他鄉變故鄉” (Tạm dịch: Quê người trở thành quê ta). Chị San cùng hai người con của mình cũng tham gia ghi âm ca khúc và hát phần lời bằng tiếng Indonesia, thể hiện vẻ đẹp của ngôn ngữ quê hương.