Từ năm 2017, Bộ Giáo dục bắt đầu trợ cấp cho các trường cao đẳng kĩ thuật và dạy nghề trên cả nước đẩy mạnh tổ chức giảng dạy ngôn ngữ Đông Nam Á. Chính sách này tạo cơ hội giúp sinh viên có nguyện vọng học tập hoặc làm việc tại các nước Đông Nam Á được học ngoại ngữ và tìm hiểu các nền văn hóa mới, mở rộng tầm nhìn quốc tế. Tính đến năm 2022, Bộ Giáo dục đã tài trợ gần 700 lớp học, tổng cộng có hơn 30.000 sinh viên theo học. Ngôn ngữ Đông Nam Á dần trở thành môn học hấp dẫn được nhiều sinh viên Đài Loan lựa chọn.
Ngôn ngữ Đông Nam Á trở thành môn học hấp dẫn của nhiều sinh viên Đài Loan. (Ảnh: Bộ Giáo dục)
Theo Bộ Giáo dục, những năm gần đây, số lượng khóa học giảng dạy ngôn ngữ Đông Nam Á tại các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề không ngừng tăng lên, bao gồm các lớp dạy tiếng Indonesia, tiếng Thái Lan, tiếng Ấn Độ, tiếng Malaysia, tiếng Myanmar và tiếng Việt, trong đó, các khóa học tiếng Việt được mở nhiều nhất.
Sinh viên tham gia khóa học được cung cấp kiến thức từ mức cơ bản như bảng chữ cái, cách phát âm, giao tiếp hàng ngày cho đến các kỹ năng giao tiếp và viết lách trong lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích sinh viên các nước Đông Nam Á tham gia trao đổi ngoại ngữ với sinh viên Đài Loan, giúp đôi bên cùng tiến bộ và học hỏi thêm nhiều điều về ngôn ngữ và văn hóa của đối phương.
Xem thêm: Sở Di dân gửi tặng tiền, kịp thời hỗ trợ tân di dân mắc ung thư vượt qua khó khăn
Giảng viên, sinh viên cùng nhau dùng bữa tại nhà hàng Việt Nam sau khi khóa học học kết thúc. (Ảnh: Bộ Giáo dục)
Bộ Giáo dục cho biết, Đông Nam Á ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu, vì vậy, trong tương lai, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường mở khóa học dạy ngôn ngữ Đông Nam Á, giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn, nắm chắc ưu thế ngoại ngữ, trở thành cầu nối gắn kết Đài Loan và khu vực Đông Nam Á.