:::

19 tuổi vì yêu đến Đài Loan, tân di dân Võ Phương Thảo khởi nghiệp thành công từ ngã rẽ làm thạch rau câu 3D tinh xảo

Tân di dân Việt Nam Võ Phương Thảo là nghệ nhân kỳ cựu trong lĩnh vực làm thạch rau câu 3D. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tân di dân Việt Nam Võ Phương Thảo là nghệ nhân kỳ cựu trong lĩnh vực làm thạch rau câu 3D. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Chị Võ Phương Thảo là một tân di dân đến từ Việt Nam, đã có thời gian sinh sống và làm việc tại Đài Loan được hơn 12 năm. Từ một bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh, chị Thảo dũng cảm thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình, không ngừng nỗ lực trau dồi bản thân, để giờ đây trở thành một diễn giả ưu tú, đào tạo ra không biết bao nhiêu học viên tài năng.

Chị học hỏi, mang nghệ thuật thạch rau câu 3D đến Đài Loan, khiến bộ môn này trở nên vô cùng được yêu thích tại đây. Đồng thời mở ra cho chị một trang mới rực rỡ, tỏa sáng hơn trong cuộc đời. 

Xem thêm: Tân di dân Việt Nam Mạc Sầu, “nữ hoàng” trong làng livestream chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công

Chị Phương Thảo cùng chồng và con trai. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Phương Thảo sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh, khi mới bắt đầu bước chân vào cánh cổng đại học, chị có duyên gặp gỡ và làm quen với một chàng trai Đài Loan. Vì chị gái của chị đã kết hôn và định cư tại Đài Loan nhiều năm, nên chị vô cùng mong ước một lần được đặt chân lên đảo ngọc xa xôi, cộng thêm sự dịu dàng, ân cần của bạn trai, vì vậy, chị Thảo đã quyết định từ bỏ việc học để theo đuổi tình yêu.

Thời điểm kết hôn chị Thảo chỉ vừa mới bước qua độ tuổi 19. Mặc dù được chị gái kể nhiều về cuộc sống ở xứ Đài, nhưng khi đặt chân xuống sân bay, chị không khỏi bỡ ngỡ khi mùa Đông Đài Loan quá lạnh, lạnh đến mức chị chỉ muốn lên lại máy bay để quay về nước.

Bố mẹ chồng và người bạn đời của chị Thảo đều vô cùng tâm lý, để giúp chị nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới tại Đài Loan, gia đình khuyến khích chị đến trường tiểu học để học thêm tiếng Trung vào buổi tối. Thường ngày, cũng khuyến khích chị tham gia các hoạt động của Sở Di dân để làm quen với các chị em tân di dân khác.

Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng chị Thảo có em bé đầu tiên. Tuy nhiên trong thời gian mang thai, mẹ chồng chị không may gặp một số vấn đề về sức khỏe phải thực hiện phẫu thuật. Lo sợ sau khi sinh em bé không thể chăm sóc mẹ khiến chị Thảo dần rơi vào trạng thái trầm cảm.

Cũng trong giai đoạn này, trong một lần tình cờ chị xem được một video dạy về cách làm thạch rau câu 3D vô cùng phổ biến ở châu Âu, chị bị thu hút bởi hình dạng đẹp mắt, độc đáo của những chiếc bánh, vì vậy chị quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này. Để theo nghề, chị Thảo mang theo con về Việt Nam “tầm sư học đạo”.

Xem thêm: Tân di dân Indonesia Hồng Tinh Tinh: Cái nhìn phiến diện của xã hội Đài Loan về tân di dân là động lực để thành lập hiệp hội vì cộng đồng

Sau khoảng thời gian tầm sư học đạo ở Việt Nam, chị Thảo thành công khởi nghiệp bằng sản phẩm thạch rau câu 3D. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau khi học và làm thạch rau câu 3D, chị Thảo bắt đầu có đam mê và mục tiêu để theo đuổi, chứng trầm cảm cũng vì thế mà khỏi hẳn. Dần dà, chị nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng và phản hồi tích cực của người mua. Điều này đã thôi thúc chị Thảo quyết định khởi nghiệp, mở cửa hàng chuyên về thạch rau câu 3D đầu tiên tại Đài Loan.

Ngoài thực hiện các đơn đặt hàng theo yêu cầu, chị Thảo còn tích cực mở các khóa học dạy cách làm thạch rau câu 3D, xuất bản sách, khiến món tráng miệng đẹp mắt, tinh xảo ngày càng phổ biến hơn ở Đài Loan. Sau nhiều năm nỗ lực, chị Thảo giờ đây đã trở thành giảng viên nổi tiếng trong lĩnh vực này, góp phần đào tạo ra nhiều nghệ nhân chuyên nghiệp trên khắp cả nước.

Chị Thảo tham gia Hiệp hội quan tâm tân di dân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vì từng được hiệp hội tân di dân nhiệt tình giúp đỡ để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống tại Đài Loan, nên sau khi kinh tế dần ổn định, chị Thảo quyết định gia nhập Hiệp hội Tân Ái Gia Nghi Lan, giúp đỡ chị em tân di dân đồng hương giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

Xem thêm: Thông dịch viên tư pháp chuyên nghiệp Hồ Oanh Nguyệt: Góp sức giúp tân di dân được hưởng đãi ngộ bình đẳng trước pháp luật

Chị Thảo hy vọng trong tương lai có thể mở thêm nhiều khóa học giảng dạy kỹ năng cho tân di dân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Thảo chia sẻ, chỉ khi tham gia vào công tác phục vụ tân di dân, chị mới nhận ra rằng nhiều chị em tân di dân rất tài năng và sẵn sàng học hỏi. Năm nay, chị Thảo nhận lời đảm nhận vai trò ủy viên của Hiệp hội Phát triển Tân di dân, chị hy vọng có thể thực hiện thêm nhiều khóa học giảng dạy kỹ năng cho tân di dân, giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Ngoài các khóa học khởi nghiệp như làm móng, spa làm đẹp, kinh doanh ẩm thực, chị cũng đề xuất những khóa học khởi nghiệp mới nổi như làm thạch rau câu 3D, kinh doanh online, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội... Đây đều là những công việc rất phù hợp cho chị em tân di dân cần phải chăm sóc gia đình và con nhỏ.

Tác phẩm thạch rau câu 3D vô cùng bắt mắt do chị Thảo làm nên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, chị Thảo cũng khuyến khích tân di dân, nếu có ý định khởi nghiệp, phải thực sự nghiêm túc học hỏi và tìm hiểu kỹ càng, phải hiểu rõ bản thân có thể làm được gì, cũng như ngành nghề, sản phẩm đó có khả năng cạnh tranh hay không. Chỉ cần có ý tưởng rõ ràng, làm tốt việc nghiên cứu và quy hoạch thị trường, thêm một chút dũng khí, thì bất kỳ ai cũng có cơ hội biến ước mơ khởi nghiệp thành sự thật, mở ra một chân trời mới cho chính mình nơi xứ người.

Trở thành người đầu tiên bình luận

Tin hot

回到頁首icon
Loading