Theo bài đăng trên trang báo Du lịch.Lao động cho biết, bánh xèo là món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, không chỉ phổ biến trong nước, mà còn được rất nhiều thực khách khắp nơi trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, nguyên liệu, cách chế biến và hương vị bánh xèo có sự khác biệt nhất định. Dưới đây hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt của bánh xèo ở miền Trung và miền Tây là gì nhé!
Nguyên liệu
Cả hai nơi đều dùng bột gạo làm bột bánh xèo, chỉ khác là người miền Trung giữ nguyên phần bột trắng, còn ở miền Tây thường cho bột nghệ để tạo màu cho bánh.
Phần nhân bánh cũng là một nét đặc trưng trong ẩm thực của mỗi vùng miền. Ở miền Tây, bánh xèo hấp dẫn với phần nhân được làm từ thịt heo, vịt, tôm, tép cùng giá đỗ, bông điên điển, thiên lí... Trong khi đó, người dân miền Trung tận dụng nguồn hải sản dồi dào để làm nhân như tôm, mực, cá, sò điệp hay tép biển...
Cách làm
Ở miền Trung, bánh xèo có kích thước nhỏ, được làm trong chảo gang, bà con thường đổ nhiều dầu, sau đó đổ bột vào nhưng ở miền Tây họ chỉ cho ít dầu, dùng loại chảo lớn, đợi nóng rồi mới cho bột vào, xoay đều chảo để bánh dàn đều, tròn trịa.
Đồ ăn kèm
Bánh xèo miền Tây thường ăn kèm với bánh tráng và các loại rau sống rồi chấm nước mắm chua ngọt pha ớt băm. Bánh ở đây được chiên giòn tan, có vị đậm đà của nhân thịt và cay nồng của nước mắm.
Bánh xèo miền Trung ăn cùng rau cải, xà lách, thêm đĩa dưa chuột muối chua hoặc xoài xanh. Thực khách cũng có thể ăn kèm với bánh tráng, chấm với mắm nêm, pha chanh ớt.
Theo Du lịch.Lao động