Theo bài đăng trên trang báo Vietnamplus cho biết, xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống, mang tính biểu tượng của đồng bào dân tộc Mường nói riêng và người dân vùng Tây Bắc nói chung. Với 5 màu sắc xanh đỏ tím vàng trắng, xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết các dân tộc.
Không chỉ có màu sắc bắt mắt, xôi ngũ sắc còn hấp dẫn người ăn bởi mùi thơm đặc biệt của các loại lá cây tạo màu cho xôi, hạt nếp dẻo ngậy. Nguyên liệu dùng để làm ra món xôi ngũ sắc bao gồm gạo nếp thơm và các loại lá cây rừng để nhuộm màu tự nhiên cho xôi như màu đỏ của gấc, màu xanh từ lá gừng hoặc lá dứa, màu vàng của nghệ, màu tím của lá cơm đen hoặc lá của cây cau.
Cách làm xôi ngũ sắc cũng khá đơn giản, gần giống với làm món xôi thông thường. Tuy không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Chính vì vậy mà loại xôi này cũng được ví như sự tinh tế của người phụ nữ Tây Bắc.
Xem thêm: Mộc Châu thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm thu hoạch mận chín
Theo quan niệm truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Bắc, mỗi màu xôi mang một ý nghĩa khác nhau. Xôi màu đỏ thể hiện khát vọng và ước mơ tươi sáng, xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú, xôi màu vàng đại diện cho sự no ấm và phồn thịnh, xôi màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng Tây Bắc. Cuối cùng là xôi trắng tượng trưng cho tình yêu trong sáng.
Xôi ngũ sắc là món ăn quen thuộc trong các dịp lễ, tết, những bữa tiệc tiếp khách quý. Mâm xôi ngũ sắc trong những ngày lễ tết thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, tình yêu thương, sự gắn kết của cộng đồng và cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình.
Xem thêm: Sóc Trăng – vùng đất “ngự trị” những món ăn ngon thu hút du khách thập phương
Theo Vietnamplus