Giải Tang Prize hay còn được gọi là Giải Nobel Đông phương, năm nay bước sang năm thứ 5. Một trong 6 nhà khoa học nhận được giải thưởng là Tiến sĩ Katalin Kariko, một trong những người đầu tiên phát minh ra RNA thông tin (gọi tắt là mRNA), công nghệ được sử dụng trong việc điều chế các loại vắc xin Covid-19 tân tiến nhất thế giới.
Không chỉ đến Đài Loan tham gia lễ trao giải, bà Kariko còn đến trường trung học nổi tiếng nhất tại thành phố Đài Bắc diễn thuyết cho học sinh tại đây, chia sẻ về hành trình theo đuổi ước mơ nhiều chông gai, gập ghềnh của bản thân. Bà cổ vũ các bạn trẻ có ý định trở thành nhà khoa học phải không ngừng cố gắng học tập, dũng cảm theo đuổi mục tiêu.
Tiến sĩ Katalin Kariko mặc áo xanh, giống màu đồng phục của các nữ sinh trường Taipei First Girl khi đến thuyết giảng tại đây. (Ảnh: Quỹ Tang Prize)
Mặc dù đây là lần đầu tiên bà Kariko đến Đài Loan, nhưng trước đó bà đã sớm có duyên phận với nơi đây, khi một trong những cộng sự của bà trong nghiên cứu mRNA là bà Alice Kuo, là một học sinh xuất sắc từng tốt nghiệp trừng THPT Taipei First Girls (北一女).
Để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết được Tiến sĩ Kariko đã phải vượt qua rào cản của bệnh tật và đau khổ, cương quyết đương đầu trên hành trình tìm ra công nghệ mRNA, không chỉ tạo ra loại những vaccine COVID-19 tiên tiến nhất thế giới mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và các bệnh truyền nhiễm khác.
Tiến sĩ Katalin Kariko chia sẻ câu chuyện của bản thân. (Ảnh: Quỹ Tang Prize)
Bà Kariko hy vọng thông qua buổi thuyết giảng lần này, phần nào động viên, khích lệ những bạn trẻ có ước mơ trở thành nhà khoa học phải có tình yêu với công việc mình làm, học cách dung hòa với áp lực, luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, cũng như tin vào khả năng của bản thân, dũng cảm khám phá những điều chưa biết. Vị Tiến sĩ cũng kỳ vọng có nhiều hơn thế hệ học sinh tương lai tham gia vào ngành khoa học.