Theo bài đăng trên trang congthuong.vn cho biết, khi thương mại quốc tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng thiếu container đối với hàng hoá liên lục địa, chi phí vận chuyển tăng và sự chậm trễ kéo dài của chuyến hàng, việc tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cho các thị trường trong lục địa là điều cần thiết. Trong khi đó, Đài Loan được đánh giá là một thị trường tiềm năng, vẫn còn nhiều dư địa cho hàng hoá Việt Nam. Đài Loan là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam xuất sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Những năm gần đây, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này của Việt Nam có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu cho các nhóm mặt hàng khoáng sản thô, nguyên liệu, nhiên liệu và tăng dần với các mặt hàng nông lâm thuỷ sản và hàng công nghiệp chế biến trở thành nhóm sản phẩm chủ lực. Ngày 23/9/2021, Đài Loan đã nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mục tiêu gia nhập nền kinh tế khu vực khi đa phần các nước thành viên CPTPP là các đối tác thương mại chính của thị trường này. Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá, việc Đài Loan nỗ lực gia nhập hiệp định, cùng với quy ước cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cao cho hàng hoá được áp dụng sẽ giúp thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam vào thị trường này.
Thị trường Đài Loan còn nhiều tiềm năng nhập khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu về thực phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu thụ trong thị trường nội địa cũng như lượng khách du lịch rất đông đảo. Đài Loan đã vượt Đức trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu sang Đài Loan ở một số nhóm ngành hàng so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là: xơ, sợi dệt các loại đạt 138,6%; cao su tăng 82,1%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 222,5%; thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh tăng 327,7%. Đài Loan là một trong những thị trường trọng điểm đối với ngành xuất khẩu cao su Việt Nam. Hiện mặt hàng cao su tự nhiên xuất khẩu sang thị trường Đài Loan theo cam kết WTO có thuế suất 0% và về cơ bản không gặp rào cản do nhóm sản phẩm này không cạnh tranh với sản phẩm nội địa. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường này đã nhập khẩu tổng cộng 325,17 nghìn tấn cao su với trị giá hơn 1,2 tỷ USD, ghi nhận tăng 10% về lượng nhưng tăng tới 33% về trị giá so với cùng kỳ 2020 do mức giá tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới về diện tích cao su, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích toàn cầu và xếp thứ ba về sản lượng, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. Theo nhận định của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), tiềm lực xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường Đài Loan có thể đạt 983,4 triệu USD vào năm 2026, trong khi đó thực tế xuất khẩu mới chỉ đạt 236,9 triệu USD (giai đoạn 2016-2025). Dư địa xuất khẩu còn lớn, lên tới gần 750 triệu USD là động lực thúc đẩy phát triển xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên tới thị trường này.
Đài Loan là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam xuất sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. (Nguồn ảnh: Pixabay)
Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, Việt Nam không có nhà cung cấp nào được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng (FSC) - tiêu chuẩn vàng của ngành về đáp ứng các tiêu chí pháp lý và môi trường. Nguyên nhân bởi chuỗi cung ứng "lộn xộn", thiếu minh bạch trong nguồn hàng nhập - xuất. Các chuyên gia nhận định, việc không đáp ứng được tiêu chuẩn này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến ngành cao su Việt Nam trên thị trường toàn cầu nói chung và tại thị trường Đài Loan nói riêng, khi người mua toàn cầu ngày càng yêu cầu nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy định và pháp luật. Một mặt hàng khác của Việt Nam có khả năng phát triển hơn nữa vào thị trường Đài Loan là thuỷ sản. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, Đài Loan là thị trường nhỏ nhưng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm thuỷ hải sản Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của thị trường này khá lớn, đạt gần 667,9 triệu USD chỉ trong nửa đầu năm 2021. Tuy thị trường này không nằm trong Top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng lại có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tương đối ổn định với trên 100 triệu USD/năm, chiếm từ 1,3 - 1,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Theo cập nhật mới nhất của Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Đài Loan (TFDA) gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Việt Nam hiện có 693 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này.
Xem thêm: Đài Loan nỗ lực chuyển đổi mô hình năng lượng đạt mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Đài Loan đang có xu hướng tăng lên, nhất là với sản phẩm tôm. Theo ITC, giá trị xuất khẩu tiềm năng của tôm sang thị trường này có thể đạt 53,2 triệu USD vào năm 2026, trong khi xuất khẩu thực tế ước tính đạt 38,5 triệu USD. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, những bất ổn về tình hình đại dịch và cuộc khủng hoảng kéo dài có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng tôm nuôi và xuất khẩu trong năm 2021. Các chuyên gia quốc tế nhận định, tình trạng thiếu container đối với hàng hóa liên lục địa, chi phí vận chuyển tăng và sự chậm trễ kéo dài của các chuyến hàng là những lo ngại thêm đối với các nhà xuất khẩu tôm châu Á như Việt Nam, do đó việc tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cho các thị trường trong lục địa vẫn được ưu tiên trong thời gian gần. Giai đoạn 2021-2030, ngành thủy sản Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững nhằm đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến thủy sản vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các thị trường lớn truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ngành thuỷ sản cũng nên chú trọng các thị trường ngách với tiềm năng xuất khẩu còn nhiều.
Thị trường Đài Loan còn nhiều tiềm năng nhập khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu về thực phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu thụ trong thị trường nội địa cũng như lượng khách du lịch rất đông đảo. (Nguồn ảnh: Pixabay)
Trang congthuong.vn cho biết thêm, tại Đài Loan, các sản phẩm của Việt Nam được ưa chuộng bao gồm tôm sú đông lạnh, tôm tươi, cá tra phi lê đông lạnh, tôm chân trắng tươi/đông lạnh, tôm chế biến, mực. Lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam qua thị trường này khá ổn định. VASEP khuyến khích doanh nghiệp có hướng khai thác thị trường Đài Loan phù hợp như đóng gói hàng hóa nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, đầy đủ hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, khi đưa hàng hóa vào Đài Loan, doanh nghiệp cần chú trọng quảng cáo, marketing sản phẩm, cung cấp thông tin để hấp dẫn người tiêu dùng Đài Loan.