“Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, tuy nhiên, đối với những người nước ngoài, tân di dân sinh sống nơi đất khách quê người, khi gặp phải vấn đề liên quan đến pháp luật, hay thậm chí phải ra tòa, điều họ cần nhất để đảm bảo được sự công bằng ấy chính là tìm được thông dịch viên tư pháp không chỉ có chuyên môn pháp luật, mà còn có thể phiên dịch một cách chính xác nhất.
“Phiên dịch tư pháp” ngoài yêu cầu về kỹ năng dịch thuật song ngữ, còn đỏi hỏi phải hiểu về thuật ngữ pháp luật chuyên ngành, và có khả năng chuyển ngữ 2 chiều cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, người dịch cũng phải đứng dưới góc độ khách quan của bên thứ 3 để phục vụ, nhằm giúp người nước ngoài hiểu rõ những quy định pháp luật phức tạp nhất, từ đó, đảm bảo quyền con người và danh dự cơ bản nhất của người nước ngoài trước pháp luật Đài Loan.
Trong 20 năm sinh sống và làm việc tại Đài Loan, chị Nguyệt chứng kiến không ít sự đổi thay và phát triển của cộng đồng tân di dân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị Hồ Oanh Nguyệt là tân di dân đến từ Việt Nam, hiện đang là Chủ nhiệm Văn phòng Đào Viên của Hiệp hội Thông dịch Tư pháp Đài Loan. Chị có 15 năm làm thông dịch viên đặc biệt tại Tòa án tối cao. Tính tới thời điểm hiện tại, số vụ án chị tham gia đã lên tới hàng ngàn trường hợp, trở thành một trong những thông dịch viên Trung-Việt được Tòa án, Cục Cảnh sát, Cục Điều tra, Sở Di dân và Trạm Thu dung tin cậy.
20 năm trước, chị Nguyệt đến Đài Loan học đại học. Trong khoảng thời gian vừa học vừa làm, chị quen biết và đem lòng cảm mến chàng trai Đài Loan, cũng là người chồng hiện tại của chị. Sau khi tốt nghiệp, hai người quyết định kết hôn và định cư tại đảo ngọc. Chị Nguyệt luôn biết ơn gia đình chồng đã yêu thương và ủng hộ chị, giúp chị theo đuổi ước mơ trở thành thông dịch viên chuyên nghiệp.
Chị Nguyệt rất quan tâm đến các chị em tân di dân khác. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị Nguyệt bày tỏ, 20 năm trước, cuộc sống của tân di dân ở Đài Loan rất khó khăn. Đơn cử như việc làm thủ tục xin cấp chứng minh thư, do rất ít đơn vị ở Đài Loan có thông dịch viên hỗ trợ nên tân di dân gặp không ít vướng mắc. Ngoài ra, tìm việc làm đối với tân di dân cũng khó khăn muôn trùng. Vì vậy, khi biết tin Sở Xã hội mở khóa học thông dịch viên, chị Nguyệt đều đặn hàng tuần dẫn theo con nhỏ đến tham gia, hy vọng sau khi hoàn thành khóa học, có cơ hội giúp đỡ chị em đồng hương xa quê, trở thành cầu nối giữa tân di dân và xã hội Đài Loan.
Để nâng cao năng lực của mình, chị Nguyệt còn tích cực tham gia nhiều khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ thông dịch chuyên nghiệp do Sở Di dân, Sở Cảnh sát, Tòa án tổ chức, để hiểu hơn những điều khoản pháp luật phức tạp. Những năm đó, chị Nguyệt dành rất nhiều thời gian, công sức để học tiếng Trung và nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan ở Việt Nam. Sau đó, tìm phương pháp để biến những điều khoản pháp luật phức tạp, dài dòng ở cả hai ngôn ngữ thành nội dung dễ hiểu, dễ nắm bắt.
Sau khi gia nhập Hiệp hội Tân di dân Đào Viên, chị Nguyệt tích cực tham gia công tác hỗ trợ tân di dân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trong quãng thời gian làm thông dịch viên tại toàn án, điều khiến chị Nguyệt cảm thấy đau lòng nhất là các vụ bạo lực gia đình. Để giúp vụ án được xét xử, giải quyết một cách thuận lợi, người bị hại thường phải miêu tả đi miêu tả lại những nỗi đau mà họ phải trải qua.
Chị Nguyệt cho biết, trước đây, nhiều ông chồng Đài Loan vẫn chưa nắm rõ quy định pháp luật, khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, họ cho rằng ly hôn hoặc sử dụng bạo lực có thể giúp người vợ của mình nhanh chóng rời đi. Nhiều chị em tân di dân cũng vì không am hiểu pháp luật, không nỡ rời ra con cái hay lo sợ bị trục xuất về nước, nên chỉ đành lựa chọn âm thầm chịu đựng.
Chị Nguyệt kêu gọi chị em tân di dân, nếu gặp phải bất kỳ khó khăn hay vấn đề gì, hãy dũng cảm lên tiếng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, cũng như tìm hiểu về quyền lợi của bản thân và thông tin pháp luật liên quan.
Chị Nguyệt cũng nhận ra một điều rằng, vẫn còn rất nhiều tân di dân không biết đến những khóa học hoặc chương trình trợ cấp dành cho tân di dân của chính phủ. Vì vậy, để hỗ trợ nhiều hơn nữa đồng hương xa quê, chị Nguyệt tham gia Hiệp hội Tân di dân TP Đào Viên, giúp họ hiểu hơn về quyền lợi của bản thân, làm thế nào để nhận trợ cấp, vay vốn... Hiệp hội cũng thường xuyên tổ chức các khóa học hỗ trợ khởi nghiệp đa dạng, thành công giúp không ít tân di dân hiện thực ước mơ của mình.
Tân di dân vui vẻ giao lưu tại hoạt động do Hiệp hội Tân di dân Đào Viên tổ chức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Đảm nhiệm công việc thông dịch viên trong những năm qua cũng giúp chị Nguyệt chứng kiến không ít dự đổi thay và phát triển của tân di dân. Chị hy vọng, thông qua đóng góp nhỏ bé của mình, có thể hỗ trợ đồng hương xa quê vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.
Chị Nguyệt cũng khích lệ tân di dân có mong muốn trở thành thông dịch viên, hãy tích cực tham gia các khóa học bồi dưỡng do Sở Di dân, Hội quán tân di dân tại địa phương tổ chức. Điều quan trọng là phải nắm rõ quy định pháp luật, nếu có bất kỳ thắc mắc gì có thể hỏi giáo viên để được giải đáp. Đồng thời hy vọng chị em tân di dân có thể dũng cảm tham gia nhiều khóa học miễn phí, làm quen với môi trường và những người bạn mới, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống ở đại gia đình mới – Đài Loan.