:::

“Dưới thân phận là tân di dân thế hệ thứ hai, tôi cũng giống như các bạn, chúng ta không hề cô đơn trên con đường đi tìm nguồi cội của mình”

Bạn Jessica Chuang (莊寓羢) (ngoài cùng bên phải) có quan hệ rất tốt với họ hàng Philippines của mình. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Bạn Jessica Chuang (莊寓羢) (ngoài cùng bên phải) có quan hệ rất tốt với họ hàng Philippines của mình. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Thời báo Tân di dân toàn cầu phối hợp cùng chuyên mục “Listener Lắng nghe bạn” giới thiệu tới quý khán thính giả câu chuyện do con em thế hệ thứ hai của tân di dân tự tay chắp bút, thông qua các cuộc đối thoại, dưới góc nhìn và phân tích vấn đề của các em, giúp người nghe thấu hiểu và đồng cảm hơn với những hoàn cảnh tân di dân khác nhau. “Listener Lắng nghe bạn” còn là một tổ chức phi chính phủ cung cấp miễn phí các dịch vụ như tư vấn pháp luật, tâm lý và y tế cộng đồng cho tân di dân và con em thế hệ thứ hai.

Bài viết tuần này được gửi về từ bạn Jessica Chuang (莊寓羢) với tiêu đề “Dưới thân phận là tân di dân thế hệ thứ hai, tôi cũng giống như các bạn, chúng ta không hề cô đơn trên con đường đi tìm nguồi cội của mình”. Thời báo Tân di dân toàn cầu cũng đã biên tập câu chuyện trong chuyên mục ngày hôm nay sang 5 thứ tiếng bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Indonesia, để nhiều độc giả và thính giả có thể hiểu hơn về câu chuyện của bạn Nhung.

“Dưới thân phận là tân di dân thế hệ thứ hai, tôi cũng như các bạn, chúng ta không hề cô đơn trên con đường đi tìm nguồi cội của mình”

Tác giả: Jessica Chuang (莊寓羢)

Năm sinh: 2002

Sinh viên năm 3 khoa Tài chính Đại học quốc lập Trung Chính

Tôi đã từng cảm thấy sợ hãi khi phải nói ra mình là con em tân di dân thế hệ thứ hai.

Trong suốt tuổi thơ của mình tôi đã từng vì sợ hãi ánh mắt dò xét, dị nghị của những người xung quanh mà không dám thừa nhận bản thân là con lai. Tôi vẫn còn nhớ như in vào khoảng thời gian học cấp 2, các bạn học thường dùng cụm từ「阿勞」(lao động nước ngoài) để xưng hô những người lao động di trú đến từ Đông Nam Á. Trong các cuộc nói chuyện của chúng bạn, tôi thường được nghe suy nghĩ thật lòng của họ đối với tân di dân, ví dụ như mùi nước hoa nồng nặc, nói chuyện lớn tiếng, da đen... Có lúc ra ngoài chơi với những người bạn Philippines của mẹ, bởi vì bất đồng ngôn ngữ hay ngoại hình khác biệt với người Đài Loan, nên chúng tôi thường xuyên bị người khác chú ý, mặc dù đó không phải là ánh mắt dò xét hay ác ý nhưng vẫn luôn khiến cho tôi cảm thấy không được thoải mái.

Tôi cũng phát hiện ra một điều là rất nhiều người Đài Loan, trong đó có tôi thường có quan niệm sùng bái văn hóa phương Tây hơn là các nước ở Đông Nam Á, vì cho rằng họ vượt trội, giỏi giang hơn mình. Vì vậy từ những sự việc đã trải qua, tôi đã có ý nghĩ rằng nếu che dấu đi thân phận của mình, có thể sẽ không còn phải chịu sự chú ý và dò xét của người khác nữa.

 

Bạn Jessica Chuang (莊寓羢) (ngoài cùng bên phải) đưa họ hàng Philippines của mình đi Tamsui chơi. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Trở về quê ngoại thân thương

Lần gần nhất tôi trở về Philippines đã là chuyện của 6 năm về trước. Vào lúc tốt nghiệp cấp 2 tôi có cơ hội được trở về quê hương của mẹ mình. Gặp người thân ở đó tôi mới phát hiện ra bản thân không hề quen biết họ, sự bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa đã khiến cho tôi không thể nào hòa nhập với cuộc sống ở nơi đó.

Sau khi đến Philippines tôi mới phát hiện ra tính cách của người dân nơi đây vô cùng lạc quan vui vẻ và cực kì dễ hài lòng với cuộc sống của mình, ấn tượng mà họ đem đến cho tôi hoàn toàn khác biệt với câu chuyện mà mọi người kể lại là người Philippines rất đáng sợ. Trong đó, sự việc để lại dấu ấn sâu sắc nhất cho tôi trong chuyến đi này là trước khi về nước mẹ tôi đã gửi trước một kiện vali lớn đồ đạc để làm quà cho người thân họ hàng, buổi sáng khi nhận được bưu kiện, tất cả họ hàng đưa theo con cái của mình đến ngồi thành một vòng lớn trong nhà, giống như đang chờ đợi đập một hộp quà siêu to khổng lồ. Lúc nhận được món quà có ghi tên của mình phía trên, mọi người đều nóng lòng muốn bóc ra ngay, mặc dù đó có thể là chiếc áo ngắn tay rất bình thường nhưng đối với những người họ hàng của tôi món quà này lại chứa đựng giá trị vô cùng to lớn.

 

Bạn Jessica Chuang (莊寓羢) (ngoài cùng bên trái) đặc biệt dậy sớm để tiễn họ hàng Philippines ra sân bay về nước. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Sự khẳng định thân phận

Mỗi khi có ai hỏi: “Bạn biết nói tiếng Philippines không?”, tôi chỉ biết xẩu hổ lắc đầu, đối với văn hóa của quê ngoại cũng chỉ dừng ở mức hiểu biết từ những thói quen trong cuộc sống đời thường của mẹ. Mặc dù trước đó tôi cũng học qua tiếng Tagolog rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng bỏ dở, mỗi lần nghĩ về việc này vẫn thấy vô cùng tiếc nuối vì bản thân đã không nỗ lực theo đuổi đến cùng.

Vì vậy, tôi đã không ngừng nhắc nhở bản thân “Mình phải tự cảm thấy tự tin vì xuất thân đặc biệt của mình”. Sau khi trưởng thành, được gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người bạn có thân phận là con em tân di dân thế hệ thứ hai, trong tôi mới dần hình thành nên tư tưởng thừa nhận thân phận của bản thân.

Nắm vững ưu thế riêng biệt của mình

Sau khi lên đại học, có cơ hội được tham gia các hoạt động cũng như các khóa học khác nhau, tôi mới nhận thức được ưu thế từ thân phận đặc biệt của mình, đồng thời tôi cũng nhận ra nhiều người thường thông qua báo chí và các trang thông tin đại chúng để tìm hiểu về tân di dân, tuy nhiên những kênh như thế này thường chỉ phản ánh một phần nhỏ, thậm chí còn tạo nên ấn tượng tiêu cực cho người xem. Vì vậy, tôi hi vọng thông qua hành động nhỏ của mình, có thể sáng tạo thêm nhiều chủ đề cũng như thu hút thêm sự quan tâm của mọi người dành cho tân di dân, chí ít là bắt đầu từ những người xung quanh.

Gần đây tôi đang cố gắng học tiếng Tagalog, trong quá trình học cũng không khỏi muốn tìm hiểu thêm về văn hóa cũng như ẩm thực của quê ngoại mình. Sau khi học tiếng Philippines tôi đã thử giao tiếp với mẹ mình, mẹ bày tỏ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy thái độ tích cực học tập của tôi, nên đã chủ động kể cho tôi nghe nhiều nét văn hóa độc đáo của quê nhà. Sau quá trình học tập, ngoại trừ khả năng ngoại ngữ được nâng cao, cũng góp phần giúp tôi xóa mờ đi bức tường ngăn cách về sự khác biệt văn hóa với mẹ mình.

Tin hot

回到頁首icon
Loading