Theo bài đăng trên trang TAIWAN TODAY cho biết, tham dự “Lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp bền vững toàn cầu lần thứ 4 năm 2021 và Lễ trao giải GCSA & TCSA” vào sáng ngày 17/11, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức đã khẳng định sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển bền vững. Ông hy vọng trong tương lai mọi người sẽ tiếp tục cùng nỗ lực để Đài Loan chuyển đổi mô hình năng lượng một cách thuận lợi và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng thống cho biết chủ đề của diễn đàn năm nay là “Hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0”, đồng thời trao “Giải thưởng Doanh nghiệp bền vững toàn cầu” (Global Corporate Sustainability Award, GCSA) và “Giải thưởng Doanh nghiệp Đài Loan Bền vững” (Taiwan Corporate Sustainability Awards, TCSA) để biểu dương các doanh nghiệp đoạt giải đã thực hiện ESG (Tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị) cùng lúc với việc theo đuổi ESP (Tỷ suất thu nhập trên cổ phần). Ông hy vọng trong tương lai, Chính phủ, các doanh nghiệp và giới học thuật sẽ cùng nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Xem thêm: Hiệp hội “Ngôi nhà nhân ái Đài Loan" – mái ấm bình yên cho những số phận lầm than
Cách đây vài ngày, “Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu” (UNFCCC COP26) đã hoàn thành hội nghị kéo dài hai tuần, trong đó ngoài việc lần đầu tiên đề cập đến vấn đề cắt giảm sản xuất nhiệt điện than, còn yêu cầu rõ ràng rằng các nước cần tăng cường “Mục tiêu giảm phát thải năm 2030” vào trước cuối năm 2022. Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu được “Diễn đàn Kinh tế Thế giới” (VEF) công bố hàng năm, biến đổi khí hậu đã được xếp vào vị trí đứng đầu trong nhiều năm liên tiếp, cho thấy biến đổi khí hậu là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững toàn cầu.
Phó Tổng thống Lại Thanh Đức phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn. (Nguồn ảnh: Phủ Tổng thống)
Phó Tổng thống cho biết: Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 rất cần các tầng lớp xã hội cùng tham gia vào sự kiện lớn này. Sau khi Tổng thống Thái Anh Văn lên nhậm chức vào năm 2016, Chính phủ đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình năng lượng từ nhiều khía cạnh như “Phát triển năng lượng xanh, tăng sử dụng khí thiên nhiên, cắt giảm nhiệt điện than, xóa bỏ năng lượng hạt nhân”. Đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc bảo vệ các rạn san hô tảo, Phó Tổng thống cho hay: Mục đích của việc xây dựng trạm tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng ở Đại Đàm, Đào Viên là giải quyết vấn đề thiếu hụt điện ở miền Bắc, giảm truyền tải điện từ miền Trung và miền Nam đến miền Bắc, cũng như vấn đề ô nhiễm không khí ở miền Trung.