Phần mềm định danh người gọi Whoscall và Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), mới đây đã cùng công bố một bản Báo cáo về tình trạng lừa đảo tại châu Á, trong khuôn khổi Hội nghị thượng đỉnh phòng chống lừa đảo châu Á diễn ra tại Đài Bắc. Nội dung báo cáo chỉ ra, có tới 40% người dân Đài Loan nhận được 1 cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo hàng tuần, gần 35% người dân gặp phải lừa đảo trên mạng xã hội.
Phần mềm định danh người gọi Whoscall. (Ảnh: Lấy từ Whoscall)
Báo cáo về tình trạng lừa đảo tại châu Á tập trung vào khảo sát ý kiến của hơn 20,000 người tại 11 quốc gia thuộc Châu Á. Báo cáo cho thấy, hơn 60% dân số tại Châu Á gặp ít nhất một vụ lừa đảo mỗi tuần. Trong khi đó, ở Đài Loan, 40% dân chúng bị đối tượng lừa đảo tiếp cận hơn 1 lần/tuần.
Ông Jorij Abraham, Giám đốc điều hành GASA cho biết, các phương thức truyền thống như gọi điện và nhắn tin SMS vẫn là kênh tiếp cận nạn nhân phổ biến nhất của những kẻ lừa đảo.
Thống kê từ Whoscall cho thấy, số cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo trung bình mỗi người châu Á nhận được đã tăng từ 8,9 cuộc gọi vào năm 2020 lên 15 cuộc gọi vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 29,8%.
Xem thêm: Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace kêu gọi tăng cường sử dụng cốc tuần hoàn, giảm khí thải carbon
Các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, trang thương mại điện tử và quảng cáo số cũng trở thành điểm nóng cho các hoạt động lừa đảo.
Trong đó, “đánh cắp thông tin/tài khoản ngân hàng” là thủ đoạn nghiêm trọng nhất, đứng đầu ở 5 quốc gia tại châu Á. Ngoài ra, “lừa đảo mua sắm” và “lừa đảo đầu tư tài chính” cũng là những kịch bản lừa đảo phổ biến nhất hiện nay.
Nguyên nhân khiến nạn nhân rơi vào bẫy thường là do không nhận ra các hoạt động lừa đảo, phản ứng quá nhanh trước yêu cầu của kẻ lừa đảo, thiếu kiến thức, bị lôi kéo bởi các ưu đãi, chấp nhận rủi ro dù không chắc chắn, quá tin tưởng bạn bè hoặc thành viên gia đình.
Sự kiện có sự tham gia của một số cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, học giả, tổ chức phi lợi nhuận. (Ảnh: Lấy từ Facebook Gogolook)