Theo bài đăng trên Báo Bốn Phương cho biết, Công ty xây dựng Ronggong (RSEA) và công ty xây dựng nhà nước Weika của Indonesia (PT. Wijaya Karya) cùng kí hợp đồng xây dựng tuyến tàu điện ngầm MRT Sanying. Nghị sĩ Quốc hội và các tổ chức xã hội đã tố cáo công ty này bóc lột lao động di trú Indonesia và vi phạm “Luật lao động cơ bản”. Sau khi Cục Lao động thành phố Tân Bắc phối hợp hoà giải, ngày 12/10 hai bên đã đi đến thoả thuận và kí biên bản hoà giải. 57 lao động di trú Indonesia sẽ được trả 920 vạn Đài tệ tiền lương chênh lệch và tiền làm thêm giờ.
Nghị sĩ đảng Sức mạnh thời đại Đặng Hiển Trí (邱顯智) và Hiệp hội lao động quốc tế Đài Loan (TIWA) đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 8/10, tố cáo việc lao động di trú Indonesia xây dựng tuyến Mrt Sanying phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, mức lương quy đổi chỉ được 9677 Đài tệ/tháng. Thời gian làm thêm giờ cao nhất tới 176 giờ/tháng, nhưng chỉ được trả thêm 47 tệ, không chỉ vượt quá giới hạn thời gian làm thêm theo quy định là 46 tiếng, mà tiền lương và tiền làm thêm giờ vẫn thấp hơn mức lương cơ bản. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định về luật lao động.
Trưởng ban Dịch vụ lao động nước ngoài của Cục Lao động Tp.Tân Bắc Lại Ngạn Hanh (賴彥亨) chia sẻ với “Báo Bốn phương”, Cục Lao động Tp.Tân Bắc 2 lần tiến hành hoà giải, hiện 57 lao động di trú Indonesia và công ty xây dựng Ronggong đã đi tới thoả thuận. Trong vòng 20 ngày, công ty sẽ trả tiền lương chênh lệch và tiền làm thêm giờ theo quy định. Tổng trị giá vào khoảng 920 vạn Đài tệ. Thời gian nghỉ phép đặc biệt của lao động di trú cũng sẽ được bổ sung theo quy định. Những lao động di trú chuẩn bị về nước sẽ có thoả thuận phương án xử lý khác.
Ngoài ra, 12 lao động di trú có thông báo mất liên lạc trước đó, nhưng chưa vượt quá 30 ngày mất liên lạc theo quy định, Cục Lao động sau khi liên lạc, hoà giải để những lao động này trở lại làm việc và yêu cầu phía công ty Ronggong huỷ bỏ thông báo mất liên lạc, khôi phục tình trạng hợp pháp của lao động di trú. Sở Thanh tra Lao động sẽ tiếp tục điều tra hành vi vi phạm Luật lao động và xử phạt theo quy định.
Theo nguồn tin, công ty xây dựng Ronggong và công ty xây dựng nhà nước Weika hợp tác thực hiện dự án xây dựng tuyến MRT Sanying. Công ty Weika phụ trách tuyển dụng lao động Indonesia, hợp đồng lao động là ở Weika, nhưng địa điểm làm việc tại Đài Loan. Vì vậy, trước đây Weika trả lương theo mức lương ở Indonesia, chuyển trực tiếp tiền Ruph vào tài khoản ở Indonesia, vi phạm nghiêm trọng luật của Đài Loan.
Xem thêm: Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Vân Lâm tổ chức các hoạt động quan tâm đời sống dành cho di dân mới
Sau khi hoà giải, hai bên đã đi đến thoả thuận và kí biên bản hoà giải, 57 lao động di trú Indonesia sẽ được trả 920 vạn Đài tệ tiền lương chênh lệch và tiền làm thêm giờ. (Nguồn ảnh: Cục Lao động thành phố Tân Bắc)
Ông Lại Ngạn Hanh bày tỏ, trong buổi hoà giải trước đó, công ty Ronggong lập luận rằng không phải là chủ tuyển dụng trực tiếp. Tuy nhiên, Cục Lao động chỉ ra rằng, đơn vị sử dụng lao động di trú chính là chủ tuyển dụng trực tiếp. Vì vậy, công ty Ronggong buộc phải chịu các trách nhiệm liên quan. Cục Lao động cũng kêu gọi các tổ chức trả lương theo hợp động và quy định của pháp luật. Nếu người lao động di trú gặp bất cứ vấn đề gì đều có thể phản ánh với Cục Lao động.