:::

Cặp vợ chồng đến từ Hồng Kông hiện thực hóa ước mơ mở không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật tại Đài Loan

Anh Trần Tùng Quân (trái), chị Lam Bội Kỳ (phải) chuyển từ Hồng Kông đến Đài Loan để khởi nghiệp. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)
Anh Trần Tùng Quân (trái), chị Lam Bội Kỳ (phải) chuyển từ Hồng Kông đến Đài Loan để khởi nghiệp. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Trong cuộc sống, chắc hẳn ít ai có thể dũng cảm rời xa quê hương, từ bỏ công việc và thu nhập lý tưởng, đến một nơi xa lạ làm lại từ đầu. Nhưng hai vợ chồng anh Trần Tụng Quân và chị Lam Bội Kỳ đến từ Hồng Kông đã làm được điều đó. Hai người đã quyết định bỏ lại tất cả để đến Đài Loan khởi nghiệp, mở cho mình một không gian văn hóa sáng tạo mang tên “小島慢遊Let It Slow” (Tạm dịch: Let It Slow – Thong dong trên đảo nhỏ), với phong cách nhẹ nhàng, không gian thư giãn và điểm nhấn là các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công.

“Ý tưởng mở tiệm được nhen nhóm từ chuyến du lịch Đài Loan nhiều năm về trước”

Năm 2023, khi đến Đài Nam du lịch, anh chị có cơ hội làm quen với cặp vợ chồng nghỉ hưu đang kinh doanh một homestay tại đây. Homestay của họ rất đẹp, phía trước là thảm cỏ xanh mướt, khiến người ở có cảm giác vô cùng thoải mái. Chị Kỳ nói, “ông bà kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về cuộc sống ở Đài Loan, từ đó hai vợ chồng đã bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ về một cuộc sống không bộn bề, lo toan với công việc.”

Sau khi về Hông Kông, anh chị bắt đầu tham gia các khu mua bán, triển lãm sản phẩm văn hóa sáng tạo, để làm quen với các nghệ nhân đến từ Đài Loan, Hồng Kong, cũng như dành thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch mở không gian văn hóa sáng tạo tại Đài Loan.

Trước đây chị Bội Kỳ là giáo viên dạy âm nhạc, dần dần chị đi dạy ít hơn để dành thời gian làm các sản phẩm thủ công, còn anh Tùng Quân vốn cũng làm công việc liên quan đến thiết kế nghệ thuật, cũng từng có kinh nghiệm làm các đồ thủ công mỹ nghệ, vì vậy niềm đam mê và những kinh nghiệm làm việc trước đó là cơ sở để anh chị thực hiện ước mơ hiện tại.

“Từng bước hiện thực hóa ước mơ”

Khởi nghiệp ở nước ngoài là một việc không hề dễ dàng, từ thủ tục xin nhập cư, đến tìm nhà ở, thuê mặt bằng... đều là hai vợ chồng tự mày mò tìm hiểu. Anh chị nhiều lần đi qua lại giữa Đài Loan và Hồng Kông để tìm nơi lý tưởng có thể sống trong tương lai, hay dành thời gian lui tới khu công viên văn hóa sáng tạo Songshan, thăm quan các cửa hàng phức hợp giống với tưởng tượng của mình.

Chị Bội Kỳ nhớ lại, tháng 5/2021 khi một mình đến Đài Loan tìm nhà ở và mặt bằng, thì không may gặp phải đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Đài Loan, chị mất ngủ suốt một tuần liền vì không tìm được nơi ở vừa ý. “May mắn là lúc đó có bạn bè ở Đài Loan giúp đỡ, lại gặp được chủ nhà đồng ý cho thuê ngắn hạn mà không cần hợp đồng, nên mới có thể yên tâm ở lại tìm mặt bằng tiếp.” Vào tháng 9 cùng năm, anh Tùng Quân cùng chú chó nhỏ của hai người cũng đã thuận lợi chuyển đến Đài Loan.

Anh chị đều có niềm đam mê với thiết kế thủ công. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)

Cuối cùng, sau bao nỗ lực đứa con tâm huyết “小島慢遊 Let It Slow” của anh chị cũng được khai trương vào tháng 11/2021. Tiệm phức hợp không chỉ bán những đồ thủ công nhỏ xinh, sản phẩm tự thiết kế, mà còn phục vụ đồ ăn nhẹ, ngoài ra hai vợ chồng cũng thường tổ chức triển lãm nghệ thuật, workshop để giao lưu, quảng bá văn hóa nghệ thuật.

“Các sản phẩm thúc đẩy giao lưu văn hóa Đài Loan – Hồng Kông”

Nói về những sản phẩm thiết kề được bày bán trong tiệm của mình, chị Bội Kỳ hào hứng chia sẻ những thông điệp và ý nghĩa đằng sau mỗi tác phẩm mà nhà thiết kế muốn truyền tải. Chẳng hạn, hình minh họa trên bưu thiếp vẽ chiếc xe điện của Hồng Kông, trên xe điện có đủ các kiểu dáng biển hiệu mang màu sắc hoài cổ của Hồng Kông mấy chục năm về trước.

Bưu thiếp vẽ xe điện của Hồng Kông. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)

Ngoài ra, trong tiệm cũng bán những sản phẩm của các nhà thiết kế đến từ Đài Loan, giúp người nước ngoài ở nơi đây hiểu hơn về văn hóa bản địa. “Tôi hy vọng thông qua các tác phẩm được bày bán trong cửa tiệm của mình, ngoài có thể giới thiệu Hong Kong với bạn bè quốc tế, còn là cơ hội để giao lưu và hiểu hơn về những nền văn hóa thú vị khác.

Anh chị hy vọng thông qua các tác phẩm trưng bày tại cửa tiệm có thể thúc đẩy giao lưu văn hóa Đài Loan – Hồng Kông. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)

“Những món ăn nhẹ dụng tâm”

Các món ăn nhẹ trong tiệm được chuẩn bị vô cùng tỉ mẩn, chẳng hạn như "bánh sô cô la ít calo", được nhân viên của tiệm tự tay làm nên, với nguyên liệu chính là đậu phụ, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, còn có "bánh kem trên đảo nhỏ" do chị Bội Kỳ tự tay làm, với kem matcha, nhân đậu đỏ, kem tươi và trái cây, được trang trí như bãi cát trắng trên hòn đảo nhỏ vô cùng thích mắt, đây cũng là món tráng miệng được yêu thích của cửa tiệm.

Món “bánh kem trên đảo nhỏ” được yêu thích nhất tại cửa tiệm. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)

“Hòn đảo được nhiều người lựa chọn khám phá”

Vợ chồng anh Tùng Quân, chị Bội Kỳ đặt tên cho không gian của mình là “thong dong trên đảo nhỏ”, bởi 3 ý nghĩa chính: nơi đây tượng trưng cho Đài Loan – nơi sống hiện tại của hai người; cũng tượng trưng cho Hồng Kông – quê hương nuôi dưỡng khôn lớn; đồng thời cũng là ước mơ bình dị của hai vợ chồng, có thể đi chậm lại, dành thời gian để giao lưu, nói chuyện, ăn uống và tìm hiểu những câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm.

Khách hàng đến tiệm của anh chị vô cùng đa dạng, cả về bối cảnh, tuổi tác, giới tính... họ không chỉ là những người ủng hộ, yêu thích văn hóa Hồng Kông, mà còn có thể là  người Đài Loan hay sinh viên nước ngoài yêu thích sản phẩm thủ công, muốn tìm không gian chill để trò chuyện cùng bạn bè.

Anh chị cũng thường tổ chức các buổi workshop, trưng bày, triển lãm. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)

Hai vợ chồng mong muốn khách hàng vào tiệm đều có thể hòa mình vào không gian thư thái, ngồi trò chuyện, thưởng thức đồ ăn cùng nhau. (Ảnh: 小島慢遊Let It Slow ủy quyền cung cấp)

Ngoài ra, mỗi lần tổ chức workshop đều tập hợp được rất nhiều người bạn cùng chung đam mê, như trong một lần hợp tác với một thương hiệu Đài Loan, cùng tổ chức mọi người làm đồ thủ công, uống trà, trò chuyện. Đây là mong muốn mà hai vợ chồng muốn đạt được, không chỉ thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn có thể học được nhiều điều mới mẻ từ đó.

“Tình người ấm áp”

Ở Đài Loan, hai vợ chồng quen được rất nhiều người bạn tốt. Ví dụ như những người xa lạ rất nhiệt tình và nhẫn nại lắng nghe tiếng Trung mang đậm giọng Quảng Đông của anh chị, hay có một bà cụ sống gần cửa tiệm thường xuyên gửi hoa quả cho hai vợ chồng...

Anh Tùng Quân chia sẻ: “Có một người bạn Đài Loan quen được trên Facebook, mặc dù không thường xuyên liên lạc, nhưng khi biết tin chúng tôi đến Đài Loan mở tiệm đã không quản đường sá xa xôi lên Đài Bắc thăm chúng tôi, khiến tôi vô cùng cảm động.”

Mặc dù đến Đài Loan lập nghiệp đã tiêu tốn rất nhiều tiền tiếp kiệm của hai vợ chồng, cộng thêm chịu ảnh hưởng của bệnh dịch trong năm ngoái, nên công việc kinh doanh gặp phải không ít khó khăn. Nhưng chị Bội Kỳ chia sẻ, “chúng tôi chưa từng hối hận khi quyết định đến Đài Loan, cũng không nghĩ tới việc từ bỏ, bởi đây là cuộc sống mà chúng tôi theo đuổi, mặc dù kinh doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tin sau cơn mưa trời lại sáng.”

Hoan nghênh quý độc giả theo dõi Facebook, Instagram của “小島慢遊 Let It Slow”.

Tin hot

Thông tin mới nhất 最新消息icon
回到頁首icon
Loading