:::

Tân di dân thế hệ thứ hai Lý Vân Ỷ: Tích cực tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng tại các tổ chức NGO

 	圖說:  Em Lý Vân Ỷ chụp ảnh lưu niệm khi về Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
圖說: Em Lý Vân Ỷ chụp ảnh lưu niệm khi về Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thời báo Tân di dân toàn cầu】Biên tập/Nguyễn Minh Ái (阮明愛)

Em Lý Vân Ỷ, sinh viên khoa Phúc lợi Xã hội Đại học Trung Chính (Chung Cheng University) luôn tự hỏi bản thân “Tại sao mẹ vượt muôn trùng dương đến Đài Loan, nhưng lại không được sống một cuộc sống hạnh phúc?”, mẹ em là một tân di dân đến từ Việt Nam, từ nhỏ đến lớn em thường có cơ hội cùng mẹ về quê ngoại thăm họ hàng người thân. Mỗi lần như vậy em lại cảm nhận được những lo toan thường trực trên gương mặt của mẹ, cộng thêm những lần được mẹ nhắc nhở “không được nói cho người khác biết mẹ là người Việt, bởi nếu biết người ta sẽ khinh thường con”, những điều này khiến em Vân Ỷ không ngừng tự vấn bản thân, xuất thân của mình liệu có gì sai sao?

Mặc dù mới 20 tuổi nhưng em Vân Ỷ đã bắt đầu quan tâm đến các vấn đề xã hội và gia nhập vào các tổ chức phi chính phủ (NGO), em thường tự hỏi “mọi người đặt kỳ vọng gì với tương lai, với hành trình cuộc đời của tân di dân thế hệ thứ hai?” hay “thân phận đặc biệt của mẹ khiến những thế hệ như em từ nhỏ đã bị người khác khinh thường, hay vượt lên tất cả tân di dân thế hệ thứ hai sẽ tích cực học tiếng mẹ đẻ, tiếp nối chính sách Tân Hướng Nam của chính phủ, trở thành nhân tài quan trọng phát triển kinh tế đất nước trong tương lai.”

Em Lý Vân Ỷ (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng người thân ở Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)  

Đối với Vân Ỷ mẹ em là một người phụ nữ vừa giỏi giang vừa tháo vát, “nhưng điều làm em buồn là cho dù em là người thân thiết nhất bên cạnh mẹ, nhưng thực sự em vẫn chưa hiểu hết những suy nghĩ, nội tâm của mẹ mình”. Ở nhà, em thường là cầu nối giúp mẹ và bà nội nói chuyện với nhau, dần dà em hiểu hơn về những khác biệt ngôn ngữ khiến cuộc sống của mẹ ở Đài Loan gặp rất nhiều khó khăn.

Vân Ỷ nhớ lại những lần mẹ nhắc nhở “không được nói với người khác con là người Việt Nam”, mỗi lúc như vậy em đều không kiên nhẫn mà nói mẹ không cần phải lo lắng, nhưng không hiểu sao mẹ vẫn cứ nhắc đi nhắc lại. “Sau này nghĩ lại, em mới hiểu sở dĩ mẹ em có suy nghĩ như vậy có lẽ là bởi vì nhưng trải nghiệm mà mẹ đã từng trải qua ở Đài Loan không tốt chút nào, vì vậy mới hi vọng em không gặp phải tình cảnh tương tự.”

Từ những lý do trên, em Vân Ỷ bắt đầu chú ý những vấn đề chung trong xã hội, khi bước vào Đại học em tham gia câu lạc bộ “Người Việt tại Gia Nghĩa” và kênh “Lắng nghe bạn”, từ đó em không chỉ thay đổi suy nghĩ về thân phận của mình mà còn bắt đầu viết văn, làm nghiên cứu thực địa cùng các thành viên khác để hiểu hơn về cái nhìn của xã hội với tân di dân và tân di dân thế hệ thứ hai. Sau khi tham gia vào các tổ chức NGO, em nhận thấy các công việc cộng đồng ở Đài Loan không được coi trọng, hơn nữa số lượng người tham gia lại rất ít, “những khác biệt về ngôn ngữ là lí do khiến công việc xã hội hỗ trợ cộng đồng tân di dân lại càng ít hơn nữa”. Vì vậy, em Vân Ỷ hạ quyết tâm học tập tiếng Việt, không chỉ kéo gần thêm khoảng cách với mẹ cũng như người thân ở Việt Nam, mà em còn hi vọng thông qua đó em có thể tham gia vào các công việc phục vụ tân di dân trong tương lai.

“Thân phận tân di dân thế hệ thứ hai mà mẹ đã ban tặng cho em là sự thật mà em hay bất kì ai đều không thể thay đổi được, điều duy nhất em có thể làm là trở thành trụ cột, chỗ dựa vững chắc cho mẹ tại Đài Loan”. Đối với em Vân Ỷ, trên con đường đi tìm sự thừa nhận thân phận đặc biệt của mình có lẽ vẫn còn nhiều mông lung mờ mịt, nhưng có một điều em có thể chắc chắn là em muốn hiểu hơn về mẹ cũng như quê hương Việt Nam của mình, bởi em tin rằng đã là tình yêu thì không có sự phân biệt quốc tịch hay xuất thân.

Trở thành người đầu tiên bình luận

Tin hot

回到頁首icon
Loading