Theo bài đăng trên trang tuoitre.vn cho biết, trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 13-9, nhóm các chuyên gia nổi tiếng thế giới cho biết các vắc xin COVID-19 vẫn đang có hiệu quả cao, do đó người bình thường chưa cần tiêm liều tăng cường. Nhóm tác giả, trong đó có hai chuyên gia hàng đầu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ, lập luận rằng chính phủ các nước nên tập trung miễn dịch cho người chưa tiêm chủng và chờ thêm dữ liệu về liều tăng cường. Theo Hãng tin Bloomberg, nhóm các chuyên gia thế giới nhận định "ngay cả trong các quần thể có tỉ lệ tiêm chủng cao, những người chưa chủng ngừa vẫn là nhân tố lây nhiễm chính" trong giai đoạn này của đại dịch. Theo Hãng tin AP, nhóm tác giả đã xem xét các nghiên cứu về hiệu quả vắc xin và kết luận các vắc xin vẫn đang hoạt động tốt, đặc biệt trong ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, dù biến thể Delta dễ lây lan đang thống trị ở nhiều nước.
Cho tới nay, vắc xin COVID-19 nói chung vẫn có hiệu quả bình quân 95% trong ngăn ngừa bệnh nặng, bao gồm cả biến thể Delta, và hơn 80% trong ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. "Không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc giảm đáng kể hiệu quả bảo vệ của vắc xin chống lại bệnh nặng", nhóm tác giả viết. Ngoài ra, theo họ, có nguy cơ tăng thêm tác dụng phụ nếu tiêm liều tăng cường quá sớm. Nhóm tác giả cho rằng sẽ có lợi hơn nếu tạo ra các liều tăng cường tập trung vào các biến thể đang lưu hành - giống như vắc xin cúm được cập nhật mỗi năm - hơn là tiêm thêm một liều vắc xin ban đầu.
Vắc-xin COVID-19 nói chung vẫn có hiệu quả bình quân 95% trong ngăn ngừa bệnh nặng, bao gồm cả biến thể Delta, và hơn 80% trong ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. (Nguồn ảnh:《天下雜誌》)
Thế giới đang chứng kiến cuộc tranh luận khoa học nảy lửa về việc ai cần tiêm liều tăng cường và khi nào cần tiêm. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đang đứng trước việc ra quyết định về việc tiêm liều tăng cường cho toàn bộ người dân. Trong nhóm tác giả trên có bà Marion Gruber - đứng đầu Văn phòng nghiên cứu và đánh giá vắc xin của FDA - và ông Philip Krause - cấp phó của bà Gruber. Cả hai cho biết sẽ từ chức vào cuối năm nay. 16 tác giả khác trong nhóm chuyên gia trên là những nhà nghiên cứu vắc xin hàng đầu tại Mỹ, Anh, Pháp, Nam Phi và Ấn Độ, cùng các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới. Họ là những người từng kêu gọi hoãn tiêm liều tăng cường cho tới khi các nước nghèo được tiêm chủng tốt hơn.
Xem thêm: Bộ Văn Hoá Đài Loan thúc đẩy giao lưu văn hóa Đông Nam Á tiếp tục đẩy mạnh chính sách hướng Nam mới
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia gia tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 mũi đầu tiên. (Nguồn ảnh: 想想論壇)
Trang tuoitre.vn cho biết thêm, ông Larry Gostin - luật sư và chuyên gia y tế công cộng của ĐH Georgetown (Mỹ) - cho biết bài viết của nhóm các chuyên gia trên "đổ thêm dầu vào lửa" cuộc tranh luận về việc liệu hầu hết người Mỹ có cần liều tăng cường hay không, và liệu Nhà Trắng có đang đi trước giới khoa học gia hay không. FDA hiện vẫn chưa bình luận gì về bài viết thể hiện quan điểm đăng trên tạp chí The Lancet. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch tiêm liều tăng cường từ ngày 20-9 cho người dân, dù vẫn đang chờ FDA phê duyệt. Hiện Mỹ đã tiêm liều tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch như người cấy ghép tạng, ung thư...