Từ ngày 7-7, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông với mục tiêu tiêm vắcxin đạt tỉ lệ trên 90%.
Tuy nhiên, ông Viên Chinh Chiến đánh giá chiến dịch tiêm chủng phòng bạch hầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là do vùng này có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, giao thông, đi lại rất khó khăn. Cùng với đó, nhiều người dân không hợp tác với ngành y tế trong việc tiêm vắcxin phòng bệnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
"Người dân, đặc biệt người Mông di cư từ miền Bắc vào sống ẩn khuất trong các cánh rừng. Hơn nữa, người lớn thường đi làm dài ngày, ở lại qua đêm tại các chòi rẫy nên các khu dân cư chỉ còn trẻ con, nhiều cháu sẽ không đến điểm tiêm chủng tập trung. Vì vậy, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai các tổ tiêm chủng lưu động để đến những khu, cụm dân cư nhỏ lẻ để đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng đã đề ra", ông Chiến đề nghị.
Tại Tây Nguyên, vấn đề di cư tự do rất căng thẳng, trong khi nhận thức của đồng bào về phòng chống dịch còn hạn chế so với khu vực thành thị. Ngoài ra, việc tiêm chủng của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên tuy có tăng hơn năm 2019 nhưng cũng chỉ đạt 32%, là vùng lõm về tiêm chủng mở rộng.
Bộ đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tiêm phòng dịch bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó sẽ ưu tiên tiêm ở vùng có nguy cơ lan tỏa trở ra. Bộ phấn đấu trong vòng 46 tháng sẽ hoàn thành tiêm chủng các khu vực Tây Nguyên.
Nguồn: tuoitre